Subdomain là gì? Subdomain ảnh hưởng như thế nào tới các công cụ tìm kiếm

2024
26-11-2018
Subdomain là gì? Subdomain ảnh hưởng như thế nào tới các công cụ tìm kiếm

Nếu bạn muốn tạo một trang web, bạn cần phải mua một gói dịch vụ hosting và domain. Trong đó domain là tên chính mà bạn đặt cho trang web của mình, còn subdomain là một phần mở rộng được thêm vào domain đóng vai trò như một trang độc lập. Nắm được những kiến thức cơ bản về subdomain sẽ giúp bạn có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Hãy cùng Bizfly Cloud  tìm hiểu về subdomain là gì cũng như những ưu nhược điểm của chúng trong bài viết dưới đây!

Subdomain là gì?

Subdomain còn được gọi là tên miền con, là một khái niệm trong tên miền. Subdomain cũng có những vai trò quan trọng và ảnh hưởng nhất định trong hệ sinh thái và các công cụ tìm kiếm trực tuyến. Tuy nhiên, cho dù là những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cũng chưa hẳn đã hiểu hết toàn bộ những vai trò của tên miền.

Subdomain chỉ là một phần nhỏ trong cấu trúc Internet phân tầng

Các bạn có thể tìm hiểu lại 2 khái niệm domain name và DNS để hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của một tên miền (tên miền chính).

Về cơ bản, không có DNS, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Mỗi khi bạn muốn đến một địa chỉ web cụ thể, cho dù là Facebook cá nhân hay một bài viết đang lan truyền trên mạng, bạn sẽ buộc phải nhớ các chuỗi số ngẫu nhiên, ví dụ: 50.63.201.97 chẳng hạn. Và điều này gần như là không thể. Tuy nhiên, với DNS mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn chỉ cần nhớ "domain.com" là đủ.

Để các hệ thống có thể hoạt động được, đặc biệt khi ngày càng có nhiều địa chỉ trực tuyến mới được tao ra hàng ngày, sẽ cần có một bộ quy tắc để đặt tên cho các địa chỉ trực tuyến đó, để định vị chúng dễ dàng hơn. Và người ta sử dụng một hệ thống phân cấp để làm điều đó. Hệ thống tên miền (DNS) chính là một mô hình phân cấp. Quy tắc tạo một tên miền cho trang web, ví dụ: domain.com là từ phải sang trái.

>> Tham khảo thêm: DNS Server là gì? Tác dụng của DNS Server?

Bắt đầu sẽ là tên miền cấp cao nhất (Top Level Domain - TLD) như .COM, .BIKE, .ORG, v.v… Nếu lấy blog.yourwebsite.com làm ví dụ, .COM sẽ là TLD hay tên miền cấp một, yourwebsite.com là tên miền cấp hai và blog.yourwebsite.com sẽ trở thành tên miền cấp ba. Đôi khi, mọi người cũng thường xem tên miền con là tên miền cấp ba. Ví dụ: "blog" ở đây là tên miền con của "yourwebsite.com". Đồng thời, "yourwebsite.com" là tên miền gốc.

Subdomain là gì? Subdomain ảnh hưởng như thế nào tới các công cụ tìm kiếm - Ảnh 1.

Các công dụng của subdomain

Mặc dù tên miền con chỉ là một phần của website gốc, nhưng đối với các công cụ tìm kiếm, tên miền con lại được coi là một thực thể riêng biệt. Do đó, subdomain được sử dụng cho các chủ ý khác nhau hoặc khi ai đó không muốn Google index các mục nhất định trên trang web của họ với phần còn lại của trang. Subdomain thường được dùng để:

1. Tạo các Website vệ tinh cho đối tượng "ngách"

Hành động này là hoàn toàn cần thiết nếu web của bạn hướng đến nhiều khu vực khác nhau, theo đó nội dung và ngôn ngữ của trang web của bạn cần phải được tùy chỉnh cho từng khu vực. Cách xử lý này có thể đem lại hiệu quả cả về chi phí lẫn hiệu suất hơn so với duy trì một trang web đa ngôn ngữ rất nặng nề.

2. Tách riêng trang blog hoặc e-commerce với Website chính thức

Các vấn đề như kích thước blog (có thể tăng lên đến tỷ lệ khổng lồ), thiết kế và CMS quản trị blog khác nhau có thể sẽ khiến bạn phải cân nhắc việc chuyển blog sang 1 tên miền con hoặc nếu bạn muốn sử dụng blog cho một mục đích hoàn toàn khác với tên miền chính. Ví dụ: Web chủ của Airbnb là vốn là một trang được thiết kế để phục vụ booking, do vậy, tạo một subdomain - blog.airbnb.com sẽ phù hợp hơn trong trường hợp này.

>> Tìm hiểu thêm: CMS là gì? Giải pháp triển khai tự động CMS cho doanh nghiệp

3. Tạo các trang riêng cho nền tảng điện thoại

Bạn có thể sử dụng subdomain để mang đến các trải nghiệm thân thiện hơn cho người dùng di động. Thay vì sử dụng cùng một website tương thích trên tất cả các kích thước màn hình, bạn có thể tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho từng giao diện màn hình để tối ưu trải nghiệm người dùng hơn nữa. Thay vì chia tỷ lệ nội dung theo các kích thước phù hợp, website có thể xác định loại thiết bị và trả ra bố cục thích hợp cho kích thước đó.

Ví dụ: khách truy cập web trên desktop để xem trang yourwebsite.com trong khi khách truy cập trên thiết bị di động và máy tính bảng sẽ thấy trang m.yourwebsite.com, được lưu trữ trên subdomain duy nhất.

Subdomain là gì? Subdomain ảnh hưởng như thế nào tới các công cụ tìm kiếm - Ảnh 2.

Ưu, nhược điểm của Subdomain

1. Ưu điểm của subdomain

  • Bạn có thể nhắm mục tiêu các đối tượng cụ thể với các subdomain (tên miền con) cụ thể. Subdomain cho phép bạn có thể vừa duy trì thương hiệu của mình vừa quảng cáo nhiều loại sản phẩm mà chỉ cần sử dụng một tên miền giúp tiết kiệm chi phí.
  • Hệ thống tệp và cơ sở dữ liệu tách biệt với trang web chính
  • Với subdomain, bạn có thể quản lý DNS riêng.
  • Bạn có thể sử dụng một mẫu khác cho subdomain như bạn muốn.
  • Việc quản lý một trang web có một số subdomain sẽ dễ dàng hơn so với việc phải quản lý một số domain riêng biệt.
  • Giống như domain, bạn có thể tận dụng cơ hội để tạo liên kết nội bộ trong subdomain.
  • Nếu subdomain của bạn bị gặp sự cố, trang web chính của bạn sẽ không bị ảnh hưởng.

2. Nhược điểm của subdomain

  • Về mặt kỹ thuật, subdomain là một trang độc lập. Vì vậy, thứ hạng của domain và subdomain của bạn sẽ không ảnh hưởng đến nhau. Bạn phải thực hiện các hoạt động SEO riêng biệt cho subdomain này.
  • Thương hiệu của bạn có thể bị loãng nếu liên kết nó với quá nhiều subdomain
  • URL có thể bị dài, tùy thuộc vào độ dài của domain và subdomain.
  • Tất cả các URL trong trang web subdomain phải được index riêng lẻ như domain
  • Bạn phải quản lý các công cụ quản trị trang web, phân tích, v.v. như một trang riêng biệt.

Một vài lưu ý khi tạo Subdomain

- Subdomain thường miễn phí thông qua nhà cung cấp mà bạn đã đăng ký domain của mình. Ví dụ: các công ty đăng ký tên miền như GoDaddy, IONOS và các nhà cung cấp dịch vụ web hosting bao gồm miền miễn phí, chẳng hạn như Bluehost và DreamHost, cho phép người dùng tạo subdomain mà không phải trả thêm phí.

- Subdomain tác động đến SEO vì các subdomain được xem như các trang web riêng biệt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sử dụng subdomain là có mục đích: domain là miền mà họ đang muốn cải thiện thứ hạng chứ không phải subdomain.

- Subdomain thường được sử dụng để host một trang web riêng biệt cho cùng một tổ chức, nhưng không phải lúc nào cũng dành cho một trang web có các chức năng hoặc thiết kế khác nhau (ví dụ: hai theme khác nhau). Nếu bạn sử dụng WordPress thay vì tạo subdomain, hãy thử sử dụng nhiều theme, điều này có thể thực hiện được với một plugin. Nếu bạn muốn có một trang web riêng biệt nhưng không muốn sử dụng subdomain, thì một giải pháp thay thế khác sẽ là mua URL thứ hai và tạo trang web thứ hai ở đó.

Nên chọn subdomain hay Thư mục con?

Thư mục con – Subdirectory hay subfolder, là phần mở rộng của tên miền chính và cũng được sử dụng để sắp xếp nội dung trên website. Nếu tên miền là "domain.com/blog", "blog" là thư mục phụ trên domain.com.

Việc sử dụng tên miền con tốt hơn hay thư mục con tốt hơn vẫn là chủ đề gây tranh cãi đến nay chưa có hồi kết. Tuy nhiên, từ góc độ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, cả hai phương thức này đều có những ưu và khuyết điểm riêng.

Hosting - Subdomain không chỉ được xác định là các trang web riêng biệt của Google, chúng cũng được lưu trữ trên các tài khoản hosting riêng biệt. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải trả phí lưu trữ cho từng tên miền con. Lời khuyên là bạn nên tìm một nhà đăng ký cung cấp chiết khấu cho nhiều tài khoản lưu trữ. Nếu bạn chọn sử dụng thư mục con, bạn sẽ chỉ phải trả cho duy nhất một hosting. Lưu ý, số tiền sẽ phụ thuộc vào kích thước và nhu cầu về tốc độ của website.

Tài nguyên – Yếu tố này cũng có những ưu và nhược điểm nhất định. Thư mục con cho phép bạn tùy chỉnh website theo các khu vực, sản phẩm, người dùng khác nhau… Còn nếu bạn có đủ tài nguyên để tạo ra các nội dung chất lượng cho từng tên miền con và tối ưu hóa chúng cho công cụ tìm kiếm phù hợp thì sử dụng subdomain sẽ đem lại nhiều hiệu quả tuyệt vời. Bạn có thể tối ưu hóa website để có lượng kết quả tìm kiếm tốt hơn. Với thư mục con, bạn không có nhiều tùy chọn để tùy chỉnh nội dung trên website nhưng việc quản lý lại dễ dàng hơn vì bạn không cần phải tạo quá nhiều nội dung tùy chỉnh. Thứ hạng SEO - Có vẻ như đối với đánh giá của Google, việc sử dụng tên miền con hay thư mục con không ảnh hưởng quá nhiều trừ khi bạn sở hữu một số lượng lớn các tên miền con đại diện.

Subdomain là gì? Subdomain ảnh hưởng như thế nào tới các công cụ tìm kiếm - Ảnh 3.

Ban đầu, Google từng thực hiện trả các kết quả tìm kiếm riêng biệt cho các tên miền con riêng biệt, như các trang web hoàn toàn độc lập với nhau và với tên miền chính. Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi nhiều người lợi dụng yếu tố này để xếp hạng một số tên miền con của họ cho cùng một cụm từ tìm kiếm. Do đó, Google bắt đầu tìm cách liên kết giữa các tên miền con và miền chính. Nếu liên kết được xác minh, Google sẽ hợp nhất các kết quả và chỉ phân phối một tên miền cho kết quả tìm kiếm.

Vì các công cụ tìm kiếm lưu trữ các số liệu khác nhau của tên miền hơn là các tên miền con, do đó các quản trị viên nên đặt nội dung có giá trị liên kết như blog trong các thư mục con thay vì các tên miền con. (ví dụ: www.example.com/blog/ thay vì blog.example.com). Trường hợp bạn sử dụng một web phụ cho chuyển đổi ngôn ngữ được tính là một ngoại lệ. (ví dụ: en.example.com cho phiên bản tiếng Anh của trang web).

Việc lựa chọn giữa tên miền con hay thư mục con để có câu trả lời rõ ràng sẽ cần xét đến từng trường hợp cụ thể. Nhưng cho dù trong trường hợp nào thì tối ưu nội dung trên website của bạn vẫn là ưu tiên cần được lưu ý hàng đầu.

Theo Bizfly Cloud chia sẻ

>> Có thể bạn quan tâm: Addon domain là gì và hoạt động như thế nào?

SHARE