Bạn đã hiểu đúng về công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây?

1416
05-09-2021
Bạn đã hiểu đúng về công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây?

Công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây là một điểm nổi bật khi nói đến thời đại công nghệ 4.0. Sẽ thật thiếu sót nếu bạn đang làm trong lĩnh vực công nghệ hay là các nhà kinh doanh nhưng lại không hiểu hết về công nghệ này. Vậy công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây là gì, có lợi ích ra sao, ứng dụng như thế nào? Hãy cùng Bizfly Cloud tìm hiểu! 

Công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây là gì?

Hiện nay, nhiều bạn vẫn còn chưa hiểu rõ thế nào là công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây, thậm chí còn nhầm lẫn giữa ảo hóa và điện toán đám mây. Chúng là 2 khái niệm hoàn toàn khác biệt.

Điện toán đám mây (cloud computing) là mô hình công nghệ cho phép chia sẻ các nguồn lực về điện toán, lưu trữ, ứng dụng,... thông qua môi trường internet. Có thể hiểu đơn giản rằng, thay vì phải đầu tư các thiết bị phần cứng đắt tiền để lưu trữ dữ liệu, website, ứng dụng,... Các doanh nghiệp chỉ cần dùng dịch vụ của các nhà cung cấp điện toán đám mây. Google cung cấp nền tảng lưu trữ trực tuyến Google Drive chính là ví dụ điển hình về điện toán đám mây. 

Bạn đã hiểu đúng về công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây? - Ảnh 1.

Trong khi đó, ảo hóa là một công nghệ giúp khai thác khả năng làm việc của các thiết bị vật lý như máy chủ, máy trạm,... một cách tối đa. Có thể hiểu đơn giản, ảo hóa giúp tách một máy chủ vật lý thành nhiều nhiều máy ảo khác nhau. Mỗi máy ảo đều có đầy đủ các tài nguyên như máy thật, bao gồm Ram, CPU, GPU, ổ cứng,... Ví dụ đơn giản về công nghệ ảo hóa là các phần mềm tạo máy tính ảo cho phép tạo  nhiều máy tính khác nhau trên cùng một máy vật lý. Mỗi máy ảo sẽ có hệ điều hành và tài nguyên riêng biệt.

Nói chung, ảo hóa là một kỹ thuật không thể thiếu với các dịch vụ dựa trên điện toán đám mây. Công nghệ ảo hóa giúp tạo ra các máy ảo để người dùng truy cập, sử dụng tài nguyên của máy thật từ xa thông qua các “đám mây” (tức là internet).

Có thể bạn quan tâm: Máy ảo - Virtual Machine là gì? Khi nào cần dùng máy ảo

Lợi ích của công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây 

Công nghệ ảo hóa đã mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh như:

- Giúp quản lý tài nguyên, công việc dễ dàng

Ví dụ trong một doanh nghiệp có nhiều thiết bị vật lý riêng rẽ như máy tính, máy chủ, thiết bị lưu trữ,... Để quản lý và sử dụng tài nguyên, dữ liệu từ tất cả các thiết bị này sẽ rất khó khăn. Việc áp dụng ảo hóa sẽ giúp gộp tất cả thành một nguồn tài nguyên thống nhất. Người dùng có thể dễ dàng chia sẻ và sử dụng tài nguyên của nhiều thiết bị khác nhau theo ý muốn. 

- Tận dụng được tối đa tài nguyên của thiết bị vật lý

Ví dụ, nếu bạn thuê các dịch vụ lưu trữ web như shared hosting hay VPS, website của bạn sẽ dễ bị sập nếu lượng truy cập quá lớn. Vì các dịch vụ này chỉ cung cấp nguồn tài nguyên giới hạn, bạn phải chia sẻ tài nguyên máy chủ vật lý với các khách hàng khác. Nhưng cloud server với công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây giúp website bạn được tận dụng toàn bộ nguồn tài nguyên mà không cần phải chia sẻ. Vì thế, trang web của bạn sẽ vận hành tốt hơn. 

- Cung cấp khả năng bảo mật cao cho khách hàng

Các máy ảo hoàn toàn tách biệt và độc lập trên môi trường đám mây. Việc tích hợp ảo hóa trong điện toán đám mây giúp tăng tính bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư cho người dùng. Ví dụ, các dịch vụ hosting như shared hosting hay VPS không đảm bảo được tính bảo mật như cloud server. Vì cloud server ảo hóa máy chủ thành các máy ảo hoàn toàn tách biệt nhau trên môi trường internet.

Nếu muốn thuê dịch vụ cloud server, bạn nên tìm hiểu những lưu ý để chọn cloud server chất lượng.

Các loại công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây

Ảo hóa lưu trữ (Storage virtualization)

Bạn đã hiểu đúng về công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây? - Ảnh 2.

Ảo hóa lưu trữ có thể hiểu đơn giản là việc kết hợp các bộ lưu trữ riêng lẻ từ những thiết bị vật lý như ổ cứng, băng từ thành một hệ thống lưu trữ thống nhất. Loại ảo hóa này thường được áp dụng với các mạng lưu trữ (mạng SAN). 

Công nghệ ảo hóa lưu trữ giúp cho việc lưu trữ, sao lưu, và phục hồi dữ liệu hiệu quả hơn, tăng tốc khả năng truy xuất dữ liệu. Ngoài ra, việc ảo hóa này còn giúp người dùng tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm dữ liệu. Vì không cần phải định vị xem máy chủ nào hoạt động trên ổ cứng nào để truy xuất, tất cả thiết bị lưu trữ đều được hợp nhất làm một.

Ảo hóa hệ thống máy chủ (Server virtualization)

Công nghệ ảo hóa máy chủ cho phép sao chép, ảo hóa tài nguyên của máy chủ vật lý (bao gồm hệ điều hành, bộ xử lý,...) để tạo thành các máy ảo khác nhau cùng chạy trên máy chủ đó. 

Ảo hóa máy chủ giúp tăng tính linh động, dễ dàng thiết lập, chia sẻ tài nguyên. Bên cạnh đó, nó cũng giúp tăng hiệu suất làm việc của máy chủ vật lý.

Bạn đã hiểu đúng về công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây? - Ảnh 3.

Ảo hóa hệ thống mạng (Network virtualization)

Công nghệ ảo hóa mạng là một quá trình hợp nhất tất cả các tài nguyên mạng (cả phần cứng và phần mềm) thành một mạng ảo. Các tài nguyên này sẽ được kết hợp bằng cách phân chia băng thông thành các kênh (channel) độc lập. Các channel này được chỉ định gắn với một máy chủ hay một thiết bị nào đó theo thời gian thực. Chính các channel này giúp làm giảm độ phức tạp của mạng. Vì thế, giúp quản lý thiết bị dễ dàng hơn.

Có thể hiểu đơn giản, ảo hóa mạng là tách hệ thống mạng phức tạp thành các phần  dễ dàng quản lý. Cũng tương tự như việc phân đoạn ổ cứng để dễ dàng quản lý các tệp.

Ảo hóa ứng dụng (Application Virtualization)

Ảo hóa ứng dụng còn được gọi với cái tên khác là ảo hóa dịch vụ ứng dụng. Công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây này giúp tách ứng dụng ra khỏi hệ điều hành và phân phối lại ứng dụng sao phù hợp với thiết bị của người dùng. Các ứng dụng ảo hóa có thể kể đến như Microsoft Application Virtualization, VMWare, Citrix XenApp,... Ví dụ, bạn có thể dùng chúng để truy cập các ứng dụng Android trên máy tính Windows của mình.  

Bạn đã hiểu đúng về công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây? - Ảnh 4.

Công nghệ ảo hóa ứng dụng giúp khắc phục được các vấn đề về tương thích ứng dụng với phần cứng, hệ điều hành. Ngoài ra, việc quản lý cập nhật phần mềm cũng sẽ dễ dàng hơn.

Ảo hóa dữ liệu (Data Virtualization) 

Công nghệ ảo hóa dữ liệu là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn  khác nhau trong một hệ thống để tạo ra thông tin dạng ảo hóa cho tất cả các thiết bị có thể truy cập. Mục đích của việc ảo hóa này là nhằm cung cấp một điểm truy cập duy nhất vào dữ liệu của tất cả các nguồn khác nhau trong một hệ thống.

Các thiết bị trong hệ thống có áp dụng ảo hóa dữ liệu sẽ có thể truy cập bất cứ nguồn thông tin nào mà không cần biết chính xác nơi lưu trữ của chúng. Bên cạnh đó, dữ liệu gốc không cần phải di chuyển qua lại giữa các thiết bị trong hệ thống, từ đó giúp tiết kiệm được thời gian.

Trên đây là một vài thông tin về công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được bản chất và lợi ích của công nghệ này. Hãy theo dõi Bizfly Cloud để được cập nhật những bài viết mới nhất về công nghệ nhé!

SHARE