Top 3 hình thức học trực tuyến phổ biến hiện nay - Liệu bạn đã biết?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như ngày nay, việc học trực tuyến đang dần trở nên phổ biến hơn trong xã hội, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thúc đẩy dạy học trực tuyến qua mạng internet. Hãy cùng Bizfly Cloud khám phá những hình thức học trực tuyến phổ biến nhất hiện nay qua bài viết dưới đây!
Học trực tuyến là gì?
Học trực tuyến hay e-Learning là phương thức học ảo hoá thông qua một thiết bị nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết hỗ trợ cho việc học trực tuyến từ xa. Khái niệm "ảo" được sử dụng để mô tả cho khóa học không được dạy trong một lớp học mặt đối mặt, mà thông qua một số phương thức thay thế có thể được kết hợp với giảng dạy lớp học.
Thông qua việc kết nối các thiết bị công nghệ như máy tính, máy tính bảng, điện thoại,… một môi trường ảo phục vụ việc học tập sẽ được tạo lập. Người học không cần trực tiếp tham gia vào các lớp học cố định ngoài thực tế mà có thể tiếp thu kiến thức bổ ích chỉ bằng việc sử dụng các thiết bị có kết nối mạng internet. Các lớp học trực tuyến có thể được tổ chức riêng lẻ hoặc có thể được phát triển thành quy mô lớn hơn, tạo thành các trường học hay trung tâm giáo dục trực tuyến (e-school).
Với e-Learning, ngừng đến trường nhưng không có nghĩa là ngừng học. Người học gần như có thể chủ động hoàn toàn trong việc lựa chọn thời gian, địa điểm, khóa học. Chi phí học tập cũng tiết kiệm hơn đáng kể so với việc tham gia các lớp học trực tiếp truyền thống.
Các hình thức giáo dục trực tuyến phổ biến hiện nay
Hiện nay, dưới sự hỗ trợ của công nghệ, các hình thức dạy học trực tuyến trở nên rất đa dạng. Dưới đây là 3 hình thức giảng dạy và học tập phổ biến thông qua các nền tảng e-Learning.
1. Học online qua các phần mềm học trực tuyến trên đám mây
Đây là hình thức học tập đang đi đầu xu hướng nhờ sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây. Theo đó, các lớp học online sẽ được tổ chức nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm thiết lập trên đám mây. Đặc điểm vượt trội của hình thức này đó chính là tính tương tác cao và đa dạng giữa người dạy và người học. Các phần mềm học trực tuyến trên đám mây cung cấp một số tính năng để hỗ trợ quá trình học tập như chia sẻ màn hình thiết bị, sử dụng các bảng viết, chế độ tắt tiếng, giơ tay phát biểu…
Cùng với đó, bằng mô hình lớp học online trên đám mây, giáo viên có thể soạn giáo án và giảng dạy từ bất kỳ đâu. Trong khi học sinh/sinh viên có thể học và làm bài thi online như hình thức học truyền thống. Tại lớp học tương tác trực tuyến, người học có thể tiếp thu hay trao đổi với người dạy trực tiếp bằng lời nói hoặc qua các tin nhắn. Nhờ vậy, giáo viên/giảng viên có thể điều tiết bài giảng, mở rộng, đào sâu các vấn đề tùy theo mức độ tiếp thu của học viên. Nhờ đó, người học sẽ tiếp thu bài học hiệu quả.
Ưu điểm và hạn chế
Ưu điểm lớn nhất của hình thức học này là tạo ra sự tương tác cao giữa người dạy và người học không khác gì các lớp học truyền thống. Lớp học cũng tạo ra sự thoải mái, gần gũi với người học mà không có cảm giác quá mức nghiêm túc, cứng nhắc. Người dạy gần như ngay lập tức có thể hỗ trợ kịp thời đến học viên để đem đến hiệu quả học tập cao nhất.
Khi tham gia các lớp học này, nếu bạn vô tình bỏ lỡ một phần nào đó, bạn không thể ngay lập tức xem lại vì lớp học vẫn đang diễn ra. Điều này có thể gây ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình tiếp thu, học tập các nội dung tiếp theo. Tuy nhiên, hầu hết các phần mềm học trực tuyến trên đám mây đều có tính năng record lại buổi học, giúp người học có thể xem lại nội dung bất cứ lúc nào.
Một số nền tảng hỗ trợ phổ biến:
Zoom Cloud Meeting: Nền tảng cho phép người dùng có thể tổ chức các buổi họp, hội nghị và lớp học trực tuyến. Phần mềm này hỗ trợ người dùng sử dụng video, chat trực tiếp, chia sẻ màn hình, gửi file,… Zoom gần như cung cấp mọi công cụ để giúp buổi học online diễn ra thuận tiện và hiệu quả nhất.
Google Classroom: Là một trong những nền tảng đem lại trải nghiệm hài lòng cho người sử dụng nhất. Tiêu chí hoạt động của Google Classroom tập trung vào 3 chức năng chính đó là: giao tiếp, trao đổi tài liệu học tập và lưu trữ bài giảng. Đây cũng là 3 nhu cầu thiết yếu của cả người dạy và người học mà những phần mềm học trực tuyến luôn luôn phải có.
2. Học trực tuyến qua các khóa học online
Các khóa học online được xem là hình thức phổ biến nhất của e-Learning. Nội dung bài giảng được xây dựng theo từng chủ đề, từng môn học, từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, người học cũng sẽ được cung cấp giáo trình, tài liệu, slide bài giảng, video hướng dẫn,… để có thể tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới một cách thuận tiện và trực quan nhất. Toàn bộ những tài liệu, video và slide sẽ được tổng hợp để tạo thành các khóa học, các gói khóa học trên những website học trực tuyến e-Learning. Người học có thể chủ động lựa chọn khóa học dựa trên nhu cầu và sở thích cá nhân.
Khác với hình thức học qua tương tác trực tuyến, những video bài giảng ở đây đều được chuẩn bị và quay dựng sẵn dựa theo nội dung chương trình học. Người học có thể chủ động xem lại video khi cảm thấy chưa hiểu rõ hoặc bỏ qua một đoạn nào đó nếu đã nắm chắc phần kiến thức đó của bài học.
Ưu điểm và hạn chế
Với hình thức học trực tuyến này, người học hoàn toàn nắm quyền chủ động về mặt thời gian, không gian. Họ có thể lựa chọn được những khóa học theo chủ đề mong muốn. Có cơ hội tham gia khóa học do những giáo viên, giảng viên hàng đầu giảng dạy với mức học phí thấp. Người học có thể tự điều chỉnh tiến độ của bài học theo khả năng tiếp thu của bản thân để đạt được hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, hình thức học trực tuyến này đòi hỏi học viên cần có sự chủ động, tự giác cao. Hiệu quả của quá trình học sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người học.
Một số nền tảng phổ biến
Edumall: Website bán khóa học online nổi tiếng với số lượt truy cập hàng tháng luôn nằm ở mức “khủng”. Các khóa học chủ yếu đi sâu vào từng vấn đề cụ thể, nội dung được tóm gọn trong video kéo dài 3 – 4 phút.
Unica: Website bán khóa học online ở nhiều lĩnh vực đa dạng. Nội dung các khóa học được đầu tư kỹ lưỡng. Nền tảng cung cấp các công cụ hỗ trợ tối đa cho quá trình học tập của học viên
Udemy: Nền tảng elearning được yêu thích nhất hiện nay với hơn 74 triệu lượt truy cập hàng tháng trên toàn cầu. Các khóa học Udemy thường là về các lĩnh vực như kinh doanh, công nghệ, phát triển bản thân, thiết kế, marketing, chăm sóc sức khỏe,…
3. Tự học từ giáo trình tài liệu, sách, ebook online
Hình thức phổ biến thứ ba của e-Learning là việc tự học từ những tài liệu, giáo trình được chia sẻ hoặc được bán trên các nền tảng online. Với một số lĩnh vực, người học có thể trực tiếp tìm kiếm thông tin được chia sẻ miễn phí online. Với những vấn đề mang tính chuyên sâu, học thuật, người học có thể tìm và chọn mua một số loại sách, giáo trình đã được số hóa, có thể đọc và tải về từ các nguồn online. Bên cạnh đó, có khá nhiều website bán ebook, giáo trình học online. Đây cũng có thể xem là một nguồn tài liệu hữu ích và giá trị khác mà các bạn có thể tham khảo.
Ưu điểm và hạn chế
Khi lựa chọn hình thức tự học, bạn sẽ không bị giới hạn bởi bất kể yếu tố nào như thời gian, địa điểm hay vấn đề tài chính. Rắc rối lớn nhất là bạn phải biết cách tự tìm kiếm, chọn lọc tài liệu và tự sắp xếp một lộ trình học hiệu quả vì sẽ không có một giáo viên, giảng viên giàu chuyên môn hỗ trợ bạn trong suốt quá trình học tập.
Một số nền tảng phổ biến
Google Scholar: Dịch vụ giúp bạn tìm kiếm những tài liệu mang tính học thuật từ những nguồn nghiên cứu đáng tin cậy, bao gồm cả tài liệu được chia sẻ miễn phí và tài liệu từ những trang web cần trả phí
Slideshare: Slideshare là nền tảng cho phép chia sẻ các tài liệu chủ yếu dưới dạng slide trình chiếu hoặc PDF. Mặc dù số lượng và nội dung tài liệu rất đa dạng nhưng chất lượng và mức độ tin cậy của tài liệu không đồng đều.
Trên đây là 3 hình thức học trực tuyến phổ biến cũng như những ưu điểm và hạn chế của nó. Cú hích từ đại dịch đã tác động đến các hình thức học trực tuyến này ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến. Sự trỗi dậy của công nghệ điện toán đám mây hứa hẹn sẽ đem đến cho người dùng những nền tảng e-Learning chất lượng và hiệu quả nhất.
>> Có thể bạn quan tâm: 3 cách bảo vệ website học trực tuyến không bị downtime