Hệ điều hành Android là gì? Những điều thú vị nên biết về Android
Nhắc tới Android là chúng ta sẽ nghĩ tới những thiết bị di động đang sử dụng hệ điều hành Android. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về hệ điều hành này, bạn đọc tham khảo bài viết do Bizfly Cloud chia sẻ dưới đây nhé.
Hệ điều hành Android là gì?
Android là hệ điều hành di động được phát triển bởi Google (GOOGL), được sử dụng chủ yếu trong các thiết bị màn hình cảm ứng, điện thoại di động và máy tính bảng. Nó cho phép người dùng thao tác với các thiết bị một cách trực quan thông qua chuyển động của ngón tay như: chạm, vuốt. Google cũng sử dụng phần mềm Android trên tivi, ô tô và đồng hồ đeo tay - Mỗi thiết bị đều được thiết kế giao diện riêng.
Lịch sử phát triển của hệ điều hành Android
Hệ điều hành này đầu tiên được Android.Inc. - một công ty phần mềm đặt tại Thung lũng Silicon - phát triển, sau đó được Google mua lại vào năm 2005.
Mặc dù mã nguồn Android được phát hành ở định dạng mã nguồn mở để thuận tiện cho người dùng, nhưng nó vẫn có thể sử dụng cố định cho các phần mềm độc quyền trên các thiết bị di động.
Các nhà đầu tư và chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp điện tử lúc đó đã đặt dấu chẩm hỏi về ý định thật sự của Google trong việc thâm nhập thị trường di động kể từ khi mua lại. Nhưng chỉ không lâu sau, Google đã công bố thiết bị chạy Android đầu tiên của mình ra thị trường vào năm 2007.
Android liên kết với nhiều ứng dụng Google
Kể từ đó, các nhà phát triển phần mềm có thể sử dụng công nghệ Android để phát triển các ứng dụng dành cho thiết bị di động, được bán trên các cửa hàng ứng dụng. Bởi vì nó được phát triển như một sản phẩm của Google, nên người dùng Android có cơ hội liên kết thiết bị di động của họ với các sản phẩm khác của Google, chẳng hạn như nền tảng email, Google Drive.
Tính đến tháng 1 năm 2020, Android là hệ điều hành phổ biến nhất được sử dụng trên các thiết bị di động, với 74,3% thị phần toàn cầu. IOS của Apple đứng thứ hai với 24,8%.
Các tính năng nổi bật của hệ điều hành Android là gì?
Giao diện người dùng mặc định của Android sử dụng các thao tác trực tiếp như chạm, vuốt và kéo để bắt đầu giao tiếp. Thiết bị cung cấp phản hồi xúc giác cho người dùng thông qua các cảnh báo như rung để phản hồi các hành động. Ví dụ: nếu người dùng nhấn vào nút điều hướng, thiết bị sẽ rung.
Khi người dùng khởi động thiết bị, hệ điều hành Android sẽ hiển thị màn hình chính, đây là trung tâm điều hướng chính cho thiết bị Android, bao gồm các tiện ích và biểu tượng ứng dụng. Widget là màn hình thông tin tự động cập nhật nội dung như thời tiết hoặc tin tức. Màn hình chính có thể khác nhau tùy theo nhà sản xuất của thiết bị. Người dùng cũng có thể chọn các chủ đề khác nhau cho màn hình chính thông qua các ứng dụng của bên thứ ba trên Google Play .
Thanh trạng thái ở phía trên cùng màn hình chính hiển thị các thông tin và trạng thái kết nối của thiết bị: mạng Wi-Fi đang kết nối, sóng 3G, cường độ sóng điện thoại. Người dùng có thể vuốt thanh trạng thái theo chiều đi xuống để xem màn hình thông báo.
Hệ điều hành Android cũng sở hữu các tính năng giúp tiết kiệm pin. Hệ điều hành tạm dừng các ứng dụng không được sử dụng để tiết kiệm pin và mức sử dụng CPU. Android có các tính năng quản lý bộ nhớ giúp tự động đóng các trình xử lý không hoạt động lưu trong bộ nhớ.
Android với tính năng picture-in-picture cho phép thao tác đa nhiệm
Android chạy trên cả hai tiêu chuẩn cellular (thiết bị hỗ trợ khe cắm sim) được triển khai rộng rãi nhất là GSM/HSDPA và CDMA/EV-DO. Android cũng hỗ trợ:
- Bluetooth
- Các giao thức truyền thông 3G như EVDO và HSDPA
- Wifi
- Tự động vá lỗi
- Tin nhắn SMS và MMS
- Camera tĩnh/Camera kỹ thuật số
- GPS
- Bản đồ
- Ứng dụng đa nhiệm/đa tác vụ (multitask)
Phần cứng
Android sử dụng ARM cho nền tảng phần cứng; các phiên bản sau của hệ điều hành Android hỗ trợ kiến trúc x86 và x86-64. Bắt đầu từ năm 2012, các nhà sản xuất thiết bị đã phát hành điện thoại thông minh và máy tính bảng Android với bộ vi xử lý Intel.
Yêu cầu phần cứng tối thiểu của Android phụ thuộc vào kích thước màn hình của thiết bị, loại và mật độ CPU. Ban đầu, Google yêu cầu bộ xử lý 200MHz, 32MB bộ nhớ và 32 MB RAM.
So sánh hệ điều hành Android với các hệ điều hành di động khác
Đối thủ cạnh tranh chính của Android là Apple iOS. Cả iOS và Android đều cung cấp các tính năng hữu ích cho người dùng. Apple iOS là hệ điều hành độc quyền với giao diện cố định, trong khi Android là hệ điều hành mã nguồn mở cung cấp nhiều tùy biến và linh hoạt hơn.
Android là hệ điều hành điện thoại thông minh bán chạy nhất kể từ năm 2011. Thị phần toàn cầu của Android từ năm 2018 đến 2019 là 74,45%, theo Statcounter. Thị phần toàn cầu của Apple iOS là 22,85%. Tuy nhiên, tại Mỹ, Apple thống trị thị phần với 57,22%; Samsung tuyên bố sở hữu 24,27%, tiếp theo là LG (5,49%) và Motorola (3,66%).
Ưu điểm hệ điều hành Android
1. Kho ứng dụng đa dạng
2. Nhiều mẫu mã
3. Cho phép mở rộng bộ nhớ bằng thẻ nhớ
4. Khả năng tùy biến cao
5. Được nhiều người dùng ưa chuộng
Kho ứng dụng đa dạng
Với kho ứng dụng Google Play, hệ điều hành Android đáp ứng tốt các nhu cầu của người dùng, từ chơi game online cho đến chỉnh sửa ảnh, video, làm việc với gần 3 triệu ứng dụng khác nhau.
Nhiều mẫu mã
Hệ điều hành Android được nhiều nhiều nhà sản xuất lớn sử dụng cho thiết bị điện tử của họ. Do đó, người dùng có thể thoải mái lựa chọn giữa nhiều mẫu mã khác nhau, từ các mẫu giá rẻ cho đến các mẫu thuộc phân khúc cao cấp.
Cho phép mở rộng bộ nhớ bằng thẻ nhớ
Với các thiết bị của Apple, bạn chỉ có thể sử dụng bộ nhớ trong có sẵn của máy. Còn với phần lớn các thiết bị Android, bạn sẽ có lựa chọn mở rộng bộ nhớ có sẵn với các loại thẻ nhớ dung lượng cao.
Khả năng tùy biến cao
Do bản chất là mã nguồn mở, bất kỳ ai cũng có thể xem được mã nguồn của hệ điều hành Android. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp hay kể cả lập trình viên riêng lẻ đều có thể tự do tùy biến Android để đạt hiệu năng tốt nhất hoặc lược bỏ những tính năng không cần thiết.
Được nhiều người dùng ưa chuộng
Hệ điều hành này có cộng đồng người dùng đông đảo, do đó nếu bạn gặp vấn đề về thiết bị hay về phiên bản Android đang sử dụng, bạn có thể được hỗ trợ nhanh chóng từ phía cộng đồng.
Một số hạn chế
Mặc dù Android cung cấp cho người dùng thêm một giải pháp thay thế tiện ích so với các hệ điều hành di động khác, nhưng HĐH vẫn còn một số hạn chế. Đối với các nhà phát triển, việc viết mã các giao diện và trải nghiệm người dùng thường phức tạp và khó khăn, phải phụ thuộc nhiều hơn vào Java so với Objective-C.
Vì là hệ điều hành mở nên Android OS có tính bảo mật thấp và khiến người dùng dễ bị lộ thông tin cá nhân.
Hệ điều hành Android dễ bị phân mảnh. Bản chất mã nguồn mở linh hoạt của Android dẫn đến nhiều biến thể của phần cứng và phần mềm. Sự phân mảnh thiết bị mang đến thách thức cho các nhà phát triển vì rất khó để phát triển các ứng dụng hoạt động trên tất cả các loại hình và phiên bản thiết bị. Phân mảnh cũng là một vấn đề của các doanh nghiệp: Nhân viên CNTT không thể dễ dàng bảo mật và quản lý các thiết bị chạy trên nhiều loại phần cứng và phần mềm.
Một hạn chế khác khi nói đến hệ điều hành Android là các ứng dụng Android có thể dễ dàng bị vi phạm bản quyền.
Một số thiết bị chạy ở trên hệ điều hành Android
Trên thị trường có rất nhiều các thiết bị đang sử dụng hệ điều hành Android. Trong đó, dẫn đầu là các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, laptop, máy tính bảng, smartbook, TV thông minh,... Một số dòng điện thoại chạy hệ điều hành Android có thể kể đến như Samsung, OPPO, Xiaomi, Vsmart, Huawei,...
Ngoài ra, hệ điều hành Android cũng được ứng dụng trong các sản phẩm khác như đồng hồ đeo tay, tai nghe, máy trò chơi điện tử chạy Android,...
Các phiên bản của hệ điều hành Android
Google cập nhật thay đổi đối với Android thường xuyên sau mỗi bản phát hành, bao gồm các bản vá bảo mật và cải tiến về hiệu suất.
Android 1.0. Phát hành vào 23/9/2008. Sở hữu bộ ứng dụng Google, bao gồm Gmail, Maps, Lịch và YouTube.
Android 1.5 (Cupcake). Phát hành 27/4/2009. Ra mắt bàn phím ảo trên màn hình và framewrk cho app các widget bên thứ ba.
Android 1.6 (Donut). Phát hành 15/9/2009. Giới thiệu HĐH có thể chạy trên các kích thước và độ phân giải màn hình khác nhau; tăng cường hỗ trợ cho mạng CDMA.
Android 2.0 (Eclair). Phát hành 26/10/2009. Ra mắt tính năng điều hướng bằng giọng nói theo từng chặng, cập nhật thông tin giao thông thời gian thực, kéo mở để thu phóng.
Android 2.2 (Froyo). Phát hành 20/5/2010. Thêm dock ở cuối màn hình chính và tác vụ thoại, cho phép người dùng chạm vào biểu tượng và nói lệnh. Hỗ trợ Flash cho trình duyệt web.
Android 2.3 (Gingerbread). Phát hành 6/12/2010. Ra mắt giao diện người dùng đen và xanh lục.
Android 3.0 đến 3.2 (Honeycomb). Phát hành 22/2/2011. Bản phát hành này dành riêng cho máy tính bảng và có thêm thiết kế không gian ba chiều màu xanh lam.
Android 4.0 (Ice Cream Sandwich). Phát hành 18/10/2011. Giới thiệu giao diện người dùng thống nhất cho cả máy tính bảng và điện thoại thông minh; với thay đổi đáng chú ý nhất là chủ yếu sử dụng thao tác vuốt để điều hướng.
Android 4.1 đến 4.3 (Jelly Bean). Phát hành lần lượt vào 9/7/2012, 13/11/2012 và 24/7/2013. Giới thiệu Google Now, một dịch vụ lập kế hoạch trong ngày. Ngoài ra còn có thông báo dạng tương tác và cải tiến hệ thống tìm kiếm bằng giọng nói.
Android 4.4 (KitKat). Phát hành chính thức 31/10/2013. Ra mắt giao diện người dùng với các màu sáng hơn, cùng với thanh trạng thái trong suốt và các biểu tượng màu trắng.
Android 5.0 (Lollipop). Phát hành chính thức 12/11/2014. Kết hợp thiết kế giao diện dạng card-based với các yếu tố như thông báo và danh sách Ứng dụng gần đây. Giới thiệu tính năng điều khiển bằng giọng nói thông qua lệnh "OK, Google".
Android 6.0 (Marshmallow). Được phát hành chính thức hồi tháng 10 năm 2015. Bản phát hành này đánh dấu việc Google thông qua lịch phát hành hàng năm. Ra mắt tính năng quản lý quyền truy cập ứng dụng chi tiết hơn, hỗ trợ cho đầu đọc vân tay và USB-C.
Android 7.0 và 7.1 (Nougat). Phát hành lần lượt vào 22/8/2016 và 4/10/2016. Ra mắt chế độ chia đôi màn hình gốc và tính năng nhóm các thông báo theo ứng dụng.
Android 8.0 và 8.1 (Oreo). Phát hành lần lượt vào 21/8/2017 và 5/12/2017. Các phiên bản này đã ra mắt chế độ picture-inpicture (PIP) nguyên bản - tính năng đáng chú ý nhất cho phép thực hiện đa tác vụ - và tính năng nhắc lại thông báo. Oreo là phiên bản đầu tiên kết hợp Project Treble, một nỗ lực của các OEM nhằm cung cấp các bản cập nhật phần mềm với tiêu chuẩn cao hơn.
Android 9.0 (Pie). Phát hành 6/ 8/2018. Phiên bản này đã thay thế các nút Back, Home và Overview thành nút Home đa chức năng và nút Back nhỏ hơn. Ra mắt các tính năng quản lý hiệu suất, bao gồm gợi ý trả lời tự động cho tin nhắn và quản lý độ sáng.
Android 10 (Android Q) chính thức phát hành vào 3/9/2019. Bỏ nút Back để chuyển sang điều hướng hoàn toàn bằng thao tác vuốt. Có thêm Dark theme và Focus mode cho phép người dùng bớt bị phân tâm từ những ứng dụng khác.
Tham khảo:
https://www.investopedia.com/terms/a/android-operating-system.asp
https://searchmobilecomputing.techtarget.com/definition/Android-OS
>> Có thể bạn quan tâm: Các lỗ hổng trong điện thoại Samsung có thể khiến người dùng Android bị tấn công từ xa
Bizfly Cloudlà nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với chi phí thấp, được vận hành bởi VCCorp.
Bizfly Cloud là một trong 4 doanh nghiệp nòng cốt trong "Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam" của Bộ TT&TT; đáp ứng đầy đủ toàn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật của nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.
Độc giả quan tâm đến các giải pháp của Bizfly Cloud có thể truy cập tại đây.
DÙNG THỬ MIỄN PHÍ và NHẬN ƯU ĐÃI 3 THÁNG tại: Manage.bizflycloud