Chuyển dịch đám mây: Những vấn đề thường gặp và rủi ro cần tránh
Các doanh nghiệp trên toàn cầu đang ngày một nhận thức rõ hơn về những lợi thế và ưu điểm vượt trội mà điện toán đám mây mang lại trong kỷ nguyên kinh doanh vói tốc độ là yếu tố sống còn. Khả năng tự do mở rộng, tiết kiệm chi phí, năng suất tối đa, vận hành hiệu quả là những yếu tố nổi bật trong số đó. Tuy nhiên, việc di chuyển lên đám mây có thể sẽ gặp phải nhiều thách thức khác nhau. Dưới đây cùng Bizfly Cloud tìm hiểu một số thách thức phổ biến thường gặp và cách đảm bảo những thách thức này không cản trở hành trình "lên mây" của doanh nghiệp.
Lên kế hoạch và chiến lược cho việc di chuyển dữ liệu
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc một tổ chức chuyển mô hình sang đám mây. Hiệu suất, chi phí, tính linh hoạt, khả năng mở rộng, sự nhanh chóng, tiện ích về bảo trì và thúc đẩy chuyển đổi số là những lý do hàng đầu khiến các công ty đi đến quyết định di chuyển. Nhưng điều quan trọng là chiến lược kinh doanh của tổ chức cần phải định hướng chiến lược đám mây chứ không phải ngược lại.
Trước khi chuyển sang môi trường đám mây, các tổ chức cần lập kế hoạch kỹ lưỡng, thảo luận và đưa ra một chiến lược cụ thể. Thông thường, các công ty bỏ qua điều này sẽ phải đối mặt với những mất mát trong hoặc sau quá trình di chuyển. Các tổ chức cũng phải đảm bảo rằng tất cả những người tham gia kế hoạch phải cùng hướng đến một mục tiêu. Các quy trình cần thiết cho việc di chuyển cũng phải được lên kế hoạch và điều chỉnh phù hợp với mô hình công ty.
Downtime
Mất kết nối hoặc ngừng dịch vụ có thể là một thảm họa đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Nếu một tổ chức đang thực hiện di chuyển từ đám mây này sang đám mây khác, tất cả các ứng dụng và dịch vụ cư trú trong đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được dự phòng với một bản sao lưu thích hợp. Ngay cả downtime nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến thiệt hại lớn về doanh thu, danh tiếng và lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Downtime là một trong những vấn đề quan trọng và thường gặp nhất trong quá trình lên mây. Một giải pháp khả thi cho vấn đề này là thiết lập môi trường sao lưu hoặc cấp phát tài nguyên phục vụ nhu cầu chạy ứng dụng cho đến khi hoàn tất quá trình di chuyển.
Tuy nhiên, việc thiết lập một môi trường lưu trữ tạm thời cho tất cả các ứng dụng và dịch vụ kinh doanh thường không dễ dàng như ta hình dung. Các tài nguyên được cấp phát phải có khả năng chứa các ứng dụng này cũng như xử lý lưu lượng của dịch vụ. Nếu không thể hoàn toàn tránh được downtime, ít nhất hãy cố gắng giảm thiểu sự cố càng nhiều càng tốt. Nhiều tổ chức áp dụng phương án đăng thông cáo trên các ứng dụng để thông báo cho người dùng về việc dịch vụ hoặc ứng dụng tạm ngừng hoạt động vào thời điểm trước đó, và lên kế hoạch di chuyển vào những khung giờ có lượng khách sử dụng dịch vụ tối thiểu.
Bảo toàn và bảo mật dữ liệu
Bảo mật Internet có thể nói là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong thế giới công nghệ ngày hôm nay. Các cuộc tấn công mạng đang gia tăng theo cấp số nhân và vi phạm dữ liệu đang phát triển ở mức đáng báo động. Quá trình di chuyển thường bị cản trở bởi các cuộc tấn công mạng này, do đó các bước tiến hành cần đảm bảo hết sức thận trọng. Khi dữ liệu đang được di chuyển từ máy chủ vật lý sang đám mây hoặc từ đám mây này sang đám mây khác, là thời điểm dữ liệu dễ bị tổn thương nhất. Cả bảo mật mạng và bảo mật đám mây đều không thể bảo vệ dữ liệu một cách hoàn toàn trước các vi phạm trong quá trình di chuyển. Do đó, quá trình di chuyển phải được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia. Tất cả các giải pháp bảo mật có thể phải được thực hiện để đảm bảo không có rò rỉ hoặc vi phạm dữ liệu.
Một tư duy phổ biến khi thực hiện di chuyển sang đám mây là các công ty thường cho rằng nhà cung cấp đám mây sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ các vấn đề liên quan đến bảo mật. Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng cung cấp bảo vệ như vậy. Khi di chuyển sang đám mây, các tổ chức cần phải xem xét kỹ lưỡng chiến lược bảo mật của nhà cung cấp đám mây. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc lập kế hoạch về một biện pháp bảo mật thích hợp để áp dụng trong và sau khi di chuyển.
Khả năng tương tác
Khả năng tương tác là một trong những vấn đề khá phức tạp trong chuyển dịch đám mây vì không dễ để thiết lập giao tiếp tương thích giữa các ứng dụng với môi trường đám mây mới. Trong môi trường đám mây, khả năng tương tác là như nhau đối với các tổ chức sử dụng cùng một dịch vụ đám mây. Khi làm việc trong một framework trên đám mây, công ty cần phải đảm bảo rằng tất cả các ứng dụng và dịch vụ dựa vào đám mây hoạt động trơn tru trên các hệ thống của nhà cung cấp đám mây đó. Đôi khi, bạn có thể phải điều chỉnh một số quy trình của công ty để tương thích với quy trình của nhà cung cấp đám mây.
Khả năng thích ứng
Đây là vấn đề phổ biến nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình di chuyển lên đám mây. Khả năng thích ứng trên thực tế là một thách thức mỗi cá nhân hoặc tổ chức phải đối mặt mỗi khi chuyển sang một hệ thống hoặc chính sách mới.
Trong chuyển dịch đám mây, các tổ chức cũng phải dành nguồn lực tương đối đáng kể để trang bị cho mình kiến thức cần thiết để xử lý nền tảng đám mây mới. Với việc di chuyển lên đám mây, các công ty có thể phải sửa đổi hoặc đôi khi cải tổ hoàn toàn việc phân bổ nhiệm vụ, nhân viên, tài nguyên, quyền hạn trong các bộ phận khác nhau để công việc trên môi trường đám mây mới có thể đi vào hoạt động liền mạch.
Các vấn đề cũng phát sinh khi một tổ chức quyết định sửa đổi mô hình làm việc hiện tại của họ để thích nghi với kiến trúc của dịch vụ đám mây. Mặc dù tận dụng những lợi thế của dịch vụ đám mây sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhưng sẽ là một sai lầm nếu việc thay đổi để thích nghi phá vỡ sự nhịp nhàng của quy trình. Rốt cuộc, mỗi doanh nghiệp sẽ cần phải tự cân nhắc đến lợi nhuận ròng đạt được khi quyết định chuyển đổi.
Ngoài các vấn đề di chuyển dữ liệu đám mây phổ biến và quan trọng này, còn có một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp nếu họ chọn chuyển sang đám mây. Chi phí, thời gian, sự thay đổi trong quản lý và các vấn đề liên quan là một vài trong số nhiều khía cạnh quan trọng khác cần được xem xét. Một trong những cách hiệu quả nhất để "hóa giải" những thách thức này là tìm đến các chuyên gia có kinh nghiệm về đám mây hướng dẫn hoặc thực hiện việc di chuyển cho doanh nghiệp. Cuối cùng, ngay cả sau khi doanh nghiệp của bạn thực hiện thành công quá trình tích hợp nhanh chóng các dịch vụ đám mây, mọi việc có thể vẫn chưa kết thúc. Một khi bạn đã sẵn sàng với khởi đầu mới, không ngừng học hỏi, thận trọng và luôn theo dõi sát sao sẽ là những đồng minh đồng hành tốt nhất để tránh mọi vấn đề trong tương lai.
Theo Techgenix.com
>> Có thể bạn quan tâm: Cách lên kế hoạch di chuyển đám mây thành công