Máy chủ biên CDN là gì? Điểm khác biệt của máy chủ gốc và máy chủ biên CDN

Máy chủ biên CDN là gì?  Điểm khác biệt của máy chủ gốc và máy chủ biên CDN

Máy chủ biên CDN là một thành phần quan trọng trong các mạng phân phối nội dung CDN (Content Delivery Network). Trong bài viết hôm nay, Bizfly Cloud sẽ cùng bạn tìm hiểu về máy chủ biên CDN và tác dụng của nó.

Máy chủ biên CDN là gì

Để hiểu khái niệm máy chủ biên CDN, trước hết ta cần biết về máy chủ biên. Một máy chủ biên (edge server) là máy tính nằm ở biên của hai mạng, có chức năng như thiết bị kết nối các mạng với nhau. Các thiết bị biên khác bao gồm bộ định tuyến (router) và bộ chuyển mạch (switch). Các thiết bị biên thường được đặt bên trong các điểm trao đổi Internet (IxP – Internet exchange Point) để cho phép các mạng khác nhau kết nối và chia sẻ tài nguyên.

Một máy chủ biên CDN là máy chủ CDN thông thường được đặt tại các vùng chuyển tiếp giữa các mạng, vừa đóng vai trò của máy chủ CDN thông thường vừa hoạt động như một thiết bị biên. Mục tiêu chính của máy chủ biên CDN là lưu trữ dữ liệu tại vị trí gần nhất có thể với các máy khách để đáp ứng truy cập với tốc độ cao và độ trễ thấp.

Máy chủ biên CDN là gì

Máy chủ biên CDN thường được đặt tại các vùng chuyển tiếp giữa các mạng

Máy chủ biên CDN hoạt động như thế nào?

Trong bất kỳ mô hình mạng nào, một lượng các thiết bị được kết nối lẫn nhau sử dụng một hay nhiều kiến trúc khác nhau. Nếu các mạng này muốn kết nối lẫn nhau, chúng sẽ cần phải có một cầu nối trung gian để vận chuyển lưu lượng mạng và cung cấp các lớp tương thích những thiết bị trung gian như vậy được gọi là thiết bị biên.

Trong mô hình trên, hai mạng A và B là các mạng hình sao với một máy chủ trung tâm điều phối luồng dữ liệu bên trong mạng. Nhưng khi tín hiệu cần truyền từ các thiết bị ở mạng A sang thiết bị ở mạng B thì máy chủ trung tâm sẽ chuyển tín hiệu đi qua các thiết bị biên. Mỗi mạng đều có một hoặc một số thiết bị đóng vai trò thiết bị biên để xử lý mọi trao đổi với môi trường bên ngoài mạng.

Phức tạp hơn nữa là trường hợp kết nối được thiết lập qua mạng Internet. Khi đó không chỉ có hai mạng trao đổi thông tin mà dữ liệu có thể sẽ phải đi qua rất nhiều mạng khác nhau để có thể tới đích. Giả sử web server được đặt tại mạng nội bộ A, để dữ liệu đi đến trình duyệt trên máy khách trong mạng nội bộ B, nó sẽ phải di chuyển qua mạng của ISP phía server, mạng Internet Backbone và mạng ISP phía client.

Trên tuyến đường đó dữ liệu phải đi qua các điểm nối giữa các mạng, và các nhà cung cấp dịch vụ CDN thường đặt các máy chủ tại các điểm nối này - máy chủ biên CDN. Lý do là vì mọi lưu lượng di chuyển qua mạng đều phải đi qua các điểm nối này, sẽ có khả năng rất cao máy chủ biên CDN nhận được yêu cầu truy cập của phía client và phản hồi lại trước khi yêu cầu đó đến máy chủ vật lý thực sự của các website. Nhờ đó, mọi yêu cầu đều được phản hồi nhanh hơn và trải nghiệm Internet của người dùng cũng tốt hơn, chưa kể nó cũng giảm tải cho các máy chủ gốc và mạng trên đường truyền khi cắt giảm được quãng đường không cần thiết. 

Các máy chủ CDN cũng có thể nằm ở nhiều nơi khác trong mạng, nhưng rõ ràng đặt quầy lễ tân tại sảnh chính tầng 1 sẽ giúp khách hàng dễ dàng tìm thuê phòng khách sạn hơn là đặt ở một tầng cao bất kỳ.

Máy chủ biên CDN hoạt động như thế nào

Nhà cung cấp dịch vụ CDN thường đặt các máy chủ tại các điểm nối này - máy chủ biên CDN

Sự khác biệt giữa máy chủ gốc và máy chủ biên CDN

Máy chủ gốc là máy chủ nhận tất cả lưu lượng truy cập từ Internet khi website không sử dụng CDN. Sử dụng máy chủ gốc không có CDN có nghĩa là mỗi yêu cầu Internet phải đến đúng vị trí thực của máy chủ gốc đó, bất kể nó nằm ở đâu trên thế giới. Điều này gây ra sự tăng độ trễ theo khoảng cách giữa máy chủ và máy khách.

Máy chủ biên CDN lưu trữ (cache) nội dung ở các vị trí chiến lược (điểm nối giữa các mạng) để giảm tải một hoặc nhiều máy chủ gốc. Bằng cách di chuyển các nội dung tĩnh như hình ảnh, tệp HTML và JavaScript đến gần máy khách yêu cầu nhất có thể, bộ đệm của máy chủ biên có thể giảm thời gian tải tài nguyên web.

Sự khác biệt giữa máy chủ gốc và máy chủ biên CDN

Máy chủ biên CDN có thể phụ trợ rất tốt cho máy chủ gốc, nhưng không thay thế được máy chủ gốc. Mọi máy chủ biên CDN đều cần thường xuyên tham chiếu đến máy chủ gốc để có được tài nguyên cung cấp cho khách hàng. Các dữ liệu nhạy cảm cơ sở dữ liệu, khóa xác thực hay chứng chỉ SSL cũng thường được giữ tại máy chủ gốc để đảm bảo vấn đề bảo mật.

Hi vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu thêm về khái niệm máy chủ biên CDN. Chúng tôi sẽ tiếp tục đem đến những bài viết về chủ đề điện toán biên và điện toán đám mây nói chung trong thời gian sắp tới.

>>> Có thể bạn quan tâm: So sánh HTTP, HTTP/2 & HTTPS. Công nghệ CDN hàng đầu hỗ trợ HTTP/2

TAGS: CDN
SHARE