Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux

1121
23-08-2021
Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux

VestaCP là công cụ quản trị Web Hosting miễn phí và rất chuyên nghiệp. Nó có giao diện trực quan, dễ sử dụng và hỗ trợ tối ưu cho những mã nguồn mở như Wordpress. Quá trình cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server thực chất chỉ là những thao tác tải và thực thi tập tin kịch bản (Script) hết sức đơn giản từ trang chủ VestaCP. Và những thao tác này là giống nhau cho tất cả các hệ điều hành Linux như RHEL/ CentOS, Ubuntu. Trong bài viết này Bizfly Cloud sẽ hướng dẫn bạn cách cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server. Mời bạn cùng theo dõi nhé.

VestaCP là gì?

VestaCP là 1 hosting control panel nguồn mở miễn phí được sáng chế bởi các lập trình viên đến từ Nga và chưa được nhiều người biết đến. Đối với các dịch vụ máy chủ Cloud Server, bạn hoàn toàn có thể cài đặt VestaCP để quản trị website của mình. Để biết thêm chi tiết, bạn có thể tham khảo những thông tin về VestaCP tại những địa chỉ liên kết sau:

Trang chủ: http://vestacp.com/

Diễn đàn trao đổi với cộng đồng: http://forum.vestacp.com/

Hướng dẫn sử dụng toàn tập: http://vestacp.com/docs/

VestaCP có ưu điểm lớn nhất là hỗ trợ cả Nginx và Apache. Nó dùng Nginx là frontend web server (xử lý các file tĩnh) để giảm tải cho Apache còn Apache lại được dùng như một Application web server (xử lý PHP request). Mô hình này đang được sử dụng bởi rất nhiều website lớn trên thế giới.

Ngoài ra, VestaCP còn hỗ trợ hầu hết các tính năng thiết yếu của 1 webserver như Bind DNS, FTP, Exim mail, MySQL, phpMyAdmin, các công cụ upgrade hay backup tự động, cronjob, bảo mật (email antivirus, antispam…)

Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux nhé.

Hướng dẫn cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux

Bước 1: Bạn cần phải SSH vào server và lần lượt chạy những lệnh như sau:

# curl -O http://vestacp.com/pub/vst-install.sh

# bash vst-install.sh --force

Đến đây, các thành phần cài đặt sẽ được VestaCP liệt kê ở bước này. Bạn hãy nhập “Y” và điền một số thông tin như FQDN (hostname của server) và email nhé. Xem ảnh minh họa bên dưới.

Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux - Ảnh 1.

Bước 2: Quá trình cài đặt sẽ tự động diễn ra sau khi bạn nhập đầy đủ các thông tin vào. Sau khi kết thúc cài đặt, hệ thống sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quản lý như hình dưới đây.

Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux - Ảnh 2.

Bước 3: Tài khoản admin sẽ là tài khoản có quyền cao nhất và được sử dụng để quản lý các tài khoản con khác nếu có. Bạn cũng có thể thêm website vào bằng tài khoản admin này. 

Đây là bước cuối cùng của quá trình cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server. Bạn hãy truy cập vào địa chỉ dùng để đăng nhập Vesta như sau: https://IP-của-bạn:8083 bằng tài khoản admin nhé. Lưu ý nếu thấy xuất hiện thông báo cảnh báo HTTPS thì bạn chỉ cần bỏ qua nó là được nhé. 

Sau khi đã cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server thành công, bạn có thể tiến hành tạo người dùng mới, thêm website vào VestaCP, trỏ tên miền về VestaCP và sử dụng FTP. Chúng ta cùng lần lượt tìm hiểu cách làm những việc này trong phần tiếp theo nhé.

Tạo người dùng mới trên VestaCP

Theo mặc định, bạn có thể thực hiện các thiết lập trên VestaCP thông qua tài khoản quản trị admin mà hệ thống đã tạo ra cho bạn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể tạo ra được 1 tài khoản cấp nhỏ hơn trong VestaCP để chỉ quản lý một website duy nhất. Để làm được việc này, bạn hãy truy cập vào phần User và ấn nút tạo mới. Chi tiết như hình bên dưới.

Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux - Ảnh 3.

Cửa sổ mới sẽ hiện lên, bạn hãy điền đầy đủ các thông tin về User mà mình muốn khởi tạo như hình minh họa bên dưới nhé.

Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux - Ảnh 4.

Tất cả mọi người dùng mà bạn tạo mới đều có thể đăng nhập vào VestaCP thông qua địa chỉ https://IP-của-bạn:8083 hoặc có thể đăng nhập vào với giao thức FTP.

Thêm website vào VestaCP

Sau khi cài đặt VestaCp trên máy chủ Cloud Server thành công, bạn cũng có thể thêm website bằng cách đăng nhập vào VestaCP với tài khoản bạn chọn quản trị website đó. Sau đó hãy vào phần Web và ấn nút thêm. Xem hình minh họa.

Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux - Ảnh 5.

Sau khi đã nhập domain website và lưu lại thành công. Bạn hãy ghi nhớ địa chỉ IP của máy chủ VestaCP để tiến hành trỏ tên miền của website vừa thêm về địa chỉ IP của máy chủ VestaCP ở bước tiếp theo nhé.

Trỏ tên miền về VestaCP

Đầu tiên bạn phải đăng nhập vào trang quản trị tài khoản sở hữu tên miền mà bạn đã mua từ nhà cung cấp tên miền, sau đó chọn tên miền cần trỏ về VestaCP, tạo bản ghi A và trỏ về địa chỉ IP của máy chủ VestaCP. Việc này phụ thuộc vào nhà cung cấp tên miền mà bạn đang sử dụng nhé. Bạn có thể tham khảo ảnh minh họa bên dưới.

Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux - Ảnh 6.

Sau khi tiến hành bước trỏ tên miền về VestaCP. Bạn hãy nhập địa chỉ URL của website vừa mới trỏ lên trình duyệt web để kiểm tra xem mình đã thao tác thành công chưa nhé.

Sử dụng FTP

Bạn có thể đăng nhập vào FTP thông qua thông tin người dùng mà bạn vừa mới tạo trên VestaCP. Cụ thể bạn có thể đăng nhập FTP thông qua những thông tin như sau:

FTP Hostname: Đây là domain hoặc địa chỉ IP đã trỏ về hostname.

FTP Username: Sử dụng tên người dùng

Password: mật khẩu đã tạo theo tên người dùng đó.

Port: 21

Sau khi truy cập thành công, bạn hãy vào thư mục web/ sẽ thấy thư mục của những domain đã thêm vào người dùng đó. Ví dụ như khi sử dụng phần mềm FileZilla để kết nối FTP thì giao diện sau khi truy cập thành công như hình bên dưới.

Làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server Linux - Ảnh 7.

Đến đây có lẽ bạn đã hiểu được cách làm thế nào để cài đặt VestaCP trên máy chủ Cloud Server rồi. Tuy đây là một công cụ panel mới nhưng lại rất hữu ích trong việc cung cấp các giao diện quản trị trực quan, đơn giản cho người dùng.  Vì vậy chắc chắn nó sẽ được áp dụng rộng rãi trong tương lai không xa. Hãy thử nghiệm ngay sau khi đọc xong bài viết này nhé. Chúc bạn thành công.

SHARE