Các nhà cung cấp đám mây và SaaS chuẩn bị sẵn sàng cho dịch Covid-19

1637
06-04-2020
Các nhà cung cấp đám mây và SaaS chuẩn bị sẵn sàng cho dịch Covid-19

Hàng trăm doanh nghiệp trên toàn thế giới hiện đang yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trên toàn cầu. Ngoài việc hủy bỏ các hội nghị và các sự kiện lớn tập trung nhiều người, nhiều doanh nghiệp hiện đang ưu tiên việc kiểm soát dịch bằng cách yêu cầu nhân viên tận dụng nhiều công nghệ mới để thực hiện công việc từ bất cứ đâu.

Ở các quốc gia lớn đang bị bệnh dịch hoành hành mạnh mẽ như Trung Quốc, Ý, Hoa Kỳ,... các doanh nghiệp đã phải hợp tác với các nhà cung cấp SaaS để đáp ứng nhu cầu cho một lượng lớn nhân viên phải làm việc tại nhà.

TechRepublic đã trao đổi với các nhà phân tích trong ngành và đại diện của các nhà cung cấp SaaS về các vấn đề có thể xảy ra khi một số lượng lớn nhân viên làm việc tại nhà. Hãy cùng Bizfly Cloud  tìm hiểu thông tin rõ hơn qua bài viết dưới đây.

Mọi người có nên lo lắng hay không?

Tiến sĩ Craig Lowery, giám đốc nghiên cứu tại Gartner, cho biết: chúng ta không nên lo ngại rằng internet sẽ bị tắc nghẽn khi nhiều người đang làm việc tại nhà và sử dụng các nền tảng đám mây hoặc các hệ thống SaaS. Tuy nhiên tình trạng tắc nghẽn hay thông thoáng cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào nơi bạn sống và làm việc.

Sẽ có sự gia tăng lưu lượng truy cập internet dẫn đến gây phát sinh những vấn đề liên quan đến làm việc từ xa và teleworking. Giả sử các ứng dụng này được xây dựng để có thể mở rộng theo chiều ngang và được xây dựng trong các public cloud như AWS, Azure và Google, thì hệ thống sẽ có thể mở rộng và xử lý lưu lượng bằng cách phân phối tải ra nhiều phần phần khác nhau của hệ thống mạng, Lowery nói.

Có những mối quan tâm lớn khác xoay quanh tốc độ internet gây ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp có ý định đưa các hệ thống và dữ liệu quan trọng nhất của họ lên trực tuyến.

"Đối với các doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống trên đám mây và đặt những tài nguyên quan trọng của họ ở đó, câu hỏi đặt ra là nếu tốc độ internet bắt đầu chậm lại, liệu họ có gặp phải vấn đề gì khi lấy dữ liệu trên public cloud hay không?"

"Câu trả lời ở đây là hầu hết các doanh nghiệp không sử dụng public internet để truy cập vào đám mây của họ theo cách đó. Họ có kết nối riêng của mình, vì vậy sự quá tải trên public internet sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đã đưa ứng dụng lên đám mây. Mặc dù chúng ở trên đám mây và chúng được phân tách trong một trung tâm dữ liệu đám mây, nhưng chúng sẽ không sử dụng cùng tài nguyên với tài nguyên mà telepresence và teleworking sẽ sử dụng. Tất cả đều có các link riêng biệt, vì vậy chúng ta không cần phải e ngại vấn đề này. Trường hợp gặp vấn đề có thể là do họ sử dụng cả public cloud và public internet".

Các doanh nghiệp đang chuẩn bị như thế nào?

Colleen Berube, CIO tại công ty dịch vụ khách hàng và phần mềm CRM Zendesk, cho biết: các doanh nghiệp kỹ thuật số hàng đầu như Zendesk đã áp dụng nhiều phương án làm việc sao cho phù hợp với hình thức làm việc từ xa của nhân viên. Berube cho biết thêm: doanh nghiệp hoàn toàn tự tin về cơ sở hạ tầng của mình có thể đáp ứng tốt cho mọi nhu cầu của cả khách hàng và nhân viên, bất kể họ có ở vị trí nào đi chăng nữa.

"Khi chúng tôi xem xét tác động của COVID-19 ở quy mô toàn cầu và cách các doanh nghiệp ứng phó, chúng tôi càng thấy được tầm quan trọng của đám mây và làm việc từ xa. Chúng tôi đang dự đoán về tất cả các kịch bản làm việc có thể diễn ra, và khả năng cao là chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng các công cụ cộng tác đám mây", Berube nói.

"Chúng tôi có lực lượng lao động trên toàn cầu và hầu hết các cuộc họp đều thực hiện dưới dạng video call. Chúng tôi sử dụng đám mây bằng cách tích hợp vào DNA thông qua các bộ công cụ hỗ trợ và bán hàng, đồng thời sử dụng và tích hợp cả G-suite. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần phải đồng cảm với nhân viên của mình và hiểu rằng khi làm việc tại nhà, nhân viên cũng gặp phải một vài khó khăn nhất định."

Các doanh nghiệp cần phải có một cơ sở hạ tầng đầy đủ và mạnh mẽ để có đủ sức xử lý sự tăng trưởng của nhân viên từ xa, bất kể họ làm việc ở đâu - David Ginsburg, phó chủ tịch của sản phẩm và giải pháp tại SD-WAN, công ty Aryaka cho biết.

Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến các thành phố trên khắp Trung Quốc, nhóm của Aryaka đã phải làm việc trên cơ sở hạ tầng truyền dẫn và làm việc với các nhà cung cấp địa phương ở đó về khả năng tập trung VPN.

Mehdi Salour, phó chủ tịch cấp cao về vận hành mạng và devOps tại 8x8, cho biết số lượng người dùng mới của dịch vụ đám mây 8x8 Video Meetings trong tháng 2 tăng gần 100% so với tháng trước, với tổng số người dùng mới vào năm 2020 tăng gấp đôi so với tổng người dùng kể từ khi thành lập.

Người dùng đăng ký sử dụng giải pháp đám mây 8x8 Video Meetings tăng hơn 300% chỉ trong tuần cuối tháng Hai. Người dùng tham gia 8x8 Video Meetings đến từ hơn 150 quốc gia. Salour cho biết thêm rằng họ đã thấy sự tăng lên nhanh chóng số lượng công ty sử dụng nền tảng UCaaS (Unified Communications as a Service) của họ.

Salour cho biết thêm rằng, một trong những lợi thế của dịch vụ đám mây là tính linh hoạt và khả năng mở rộng nhanh chóng, hai lợi thế này sẽ giúp đáp ứng kịp thời khối lượng công việc tăng lên liên tục. Tuy nhiên tốc độ mà nền tảng đám mây có thể mở rộng phụ thuộc rất nhiều vào kiến trúc của nền tảng.

Trong nhận xét của mình, Salour nói thêm rằng, phần core của 8x8 sử dụng kiến trúc cloud-based microservice được thiết kế có tính linh hoạt và mở rộng, đáp ứng được nhu cầu về khối lượng công việc tăng lên nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến trải nghiệm âm thanh, video, trò chuyện...

Patrick Harr, CEO của công ty lưu trữ dữ liệu máy tính Panzura, cho biết: những nhà cung cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực public cloud "đã đầu tư hàng tỷ đô và có quy mô gần như vô tận".

Một trong những lợi ích chính của cơ sở hạ tầng đám mây là khả năng tự động mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu tăng lên - theo Kris Beevers, CEO và đồng sáng lập của nhà phát triển giải pháp quản lý lưu lượng ứng dụng và web NS1.

Khả năng mở rộng quy mô tự động này cho phép các tổ chức nhanh chóng tăng tốc các dịch vụ và tăng tài nguyên để đáp ứng lưu lượng người dùng và khách truy cập tăng đột biến - ví dụ như lượng traffic truy cập tăng đột biến, hoặc sự gia tăng đột ngột của số lượng người làm việc từ xa trên toàn thế giới.

"Làm việc tại nhà, hạn chế đi lại làm tăng nhu cầu về các công cụ cộng tác dựa trên SaaS. Các nhà cung cấp các công cụ cộng tác dựa trên SaaS như Salesforce và Dropbox là những lựa chọn luôn sẵn có, bởi vì họ đang sử dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu (data-driven approach) để quản lý cơ sở hạ tầng và lưu lượng ứng dụng" - Beevers cho biết.

"Bằng cách kết hợp dữ liệu thời gian thực về điều kiện mạng và tính sẵn có của tài nguyên với dữ liệu đo lường từ người dùng thực, họ có thể quản lý tài nguyên một cách thông minh và định tuyến lưu lượng truy cập ứng dụng để đảm bảo hiệu suất và độ tin cậy. Cách làm này rất có lợi cho những doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên làm việc từ xa thông qua dynamic cloud hoặc cơ sở hạ tầng hybrid."

Beevers nói thêm rằng: các phân tích thời gian thực được đo dựa trên các số liệu ứng dụng thực tế, cung cấp cho nhóm CNTT cái nhìn sâu sắc và cần thiết để định hướng và cân bằng khối lượng công việc thời gian thực một cách thích hợp giữa các nguồn lực khi điều kiện và nhu cầu thay đổi.

Các doanh nghiệp cũng nên tìm cách triển khai cơ sở hạ tầng và quản lý việc sử dụng tài nguyên để giải quyết các vấn đề liên quan tới lượng truy cập tăng đột biến. Đồng thời doanh nghiệp phải kiểm soát chi phí giữa các nhà cung cấp đám mây cũng sử dụng thêm các cụm đám mây mới để tăng hiệu suất tại các vị trí địa lý chiến lược nơi có điều kiện internet kém hoặc khó kiểm soát, Beevers nói.

Theo Bizfly Cloud chia sẻ

SHARE