Với Android P, Google muốn người dùng hạn chế dùng điện thoại hơn nữa
Tại sự kiện Google I/O vừa rồi, gã khổng lồ công nghệ Google đã công bố một số tính năng mới của hệ điều hành Android P để giúp người sử dụng có thể theo dõi và quản lý thời gian mà họ sử dụng điện thoại thông minh. Mục tiêu của những tính năng này là để người dùng có thể hiểu hơn về thói quen và xu hướng dùng thiết bị thông minh của mình, từ đó chủ động kiểm soát việc quá mải mê vào những chiếc điện thoại thông minh của mình. Phó chủ tịch bộ phận quản lý sản phẩm của Google, ông Sameer Samat cho biết: "Việc giúp đỡ mọi người có một lối sống công nghệ lành mạnh hơn đang ngày càng trở nên quan trọng đối với chúng tôi. Mọi người vẫn thường nói với chúng tôi rằng, việc sử dụng thiết bị thông minh đem lại khá nhiều lợi ích cho họ. Tuy nhiên, đôi lúc họ vẫn cảm thấy mình đang lãng phí thời gian, và muốn dùng thời gian đó cho việc khác".
Với Android P, Google muốn người dùng có thể sử dụng điện thoại của mình một cách hiệu quả hơn
Và với hệ điều hành Android P, Google cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề nói trên, thông qua nhiều tính năng mới được hy vọng là có thể từng bước, từng bước thay đổi được thói quen sử dụng thiết bị của đại đa số người dùng phổ thông. Vậy Google sẽ làm điều đó như thế nào?
Bước 1: Nâng cao nhận thức
Google tin rằng, bước đầu tiên để có thể giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị thông minh chính là hiểu rõ về thói quen của bản thân. Chính bởi vậy, hệ điều hành Android P được trang bị tính năng theo dõi toàn hệ thống mang tên Dashboard, làm nhiệm vụ ghi lại thói quen sử dụng thiết bị của người dùng. Ứng dụng này sẽ cho bạn biết bạn đã dùng điện thoại mình bao nhiêu lâu, dùng ứng dụng nào nhiều ứng dụng nào ít, mở máy với tần suất như thế nào, hay một ngày nhận bao nhiêu thông báo, v...v...
Thoạt nhìn qua thì Dashboard cũng tương tự như Moment, một ứng dụng theo dõi thời gian on-screen do Kevin Holesh thiết kế cho hệ điều hành iOS từ năm 2014. Kevin Holesh cho biết, trong suốt 4 năm qua, anh đã nhận được "hàng trăm email" từ người dùng cho biết rằng, kể từ khi sử dụng Moment, họ phát hiện ra rằng thời gian họ sử dụng thiết bị gấp đôi so với những gì họ nghĩ. Điều này cũng khá giống với một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015, cho biết hầu như tất cả mọi người tham gia nghiên cứu này đều đánh giá thấp thời gian mà họ bỏ ra để sử dụng điện thoại thông minh trong ngày.
Cũng theo như lời của Holesh, thì khoảng 56% người sử dụng Moment đã giảm thời gian dùng máy của mình đi được 24 phút, cho thấy việc "nhận thức rõ hơn về thói quen" có thể sẽ mang lại những tác động tích cực hơn về cách mà người dùng sử dụng các thiết bị thông minh.
Với việc thêm Dashboard vào trong hệ điều hành Android P, Google sẽ có thể theo dõi thói quen sử dụng thiết bị của người dùng tốt hơn bất cứ ứng dụng của bên thứ ba nào khác trên thị trường. Theo lời Sameer Samat, Dashboard thậm chí sẽ cho phép các nhà phát triển biết được những thông tin sâu hơn về thói quen mà người dùng sử dụng ứng dụng do họ tạo ra.
Bên cạnh đó, cũng còn một điều nữa cần chú ý: cùng một khoảng thời gian sử dụng ứng dụng như nhau, nhưng cách mà người dùng sử dụng ứng dụng sẽ tạo ra các hiệu ứng tâm lý khác nhau. Một nghiên cứu nội bộ của Facebook cho thấy rằng, những người dành thời gian lướt News Feed chỉ để đọc tin, sau đó thường sẽ cảm thấy tệ hại vì mình đã lãng phí rất nhiều thời gian. Trong khi đó, những người sử dụng Facebook để tương tác với các người dùng khác thường sẽ không cảm thấy cảm giác tồi tệ nói trên.
Nếu như nghiên cứu của Facebook là đúng, thì điều tương tự cũng có thể xảy ra với Twitter. Hoặc Instagram. Hoặc Gmail. "Đó là điều mà Google đang muốn người dùng có thể nắm rõ, bởi không phải thói quen hay mục đích sử dụng thiết bị của mỗi người cũng đều như nhau." - ông Andrew Przybylski, nhà tâm lý học tại Viện Internet Oxford, hiện đang nghiên cứu về việc tự điều chỉnh thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ cao của người dùng, cho biết.
Bước 2: Thay đổi hành vi
Tuy nhiên, từ hiểu rõ thói quen sử dụng thiết bị của mình đến thay đổi chúng là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nói như một số người thì "biết là không tốt nhưng họ vẫn cứ làm, chẳng thể nào thay đổi được". Chính vì vậy, Google đã kết hợp Dashboard với một công cụ khác mang tên App Timer. Đúng như cái tên của mình, công cụ này sẽ cho phép bạn "hẹn giờ" thời gian mà mình sử dụng một ứng dụng nào đó. Chẳng hạn như bạn chỉ muốn dùng Facebook mỗi ngày 1 tiếng mà thôi. Khi gần hết 1 tiếng đó, điện thoại sẽ nhắc nhở rằng "bạn sắp hết giờ rồi". Dùng Facebook quá thời gian, biểu tượng của Facebook trên màn hình chính sẽ chuyển thành màu xám, và bạn sẽ không thể nào mở Facebook ra được nữa.
Nói cách khác: Để thay đổi thói quen của người dùng thì chỉ việc hẹn giờ thời gian là chưa đủ.
Đây chính là lý do mà Google còn trang bị thêm nhiều "món vũ khí mới" khác cho hệ điều hành Android P của mình. Đầu tiên phải kể đến tính năng Wind Down, tự động đặt điện thoại của bạn vào chế độ Do Not Disturb, và thay đổi thiết lập màn hình sau một thời điểm đã định sẵn.
Mục tiêu của Wind Down cũng giống như tính năng Night Shift và Bed Time của Apple, giúp người dùng có thể ngưng dùng điện thoại và tập trung đi ngủ vào buổi đêm. Tuy nhiên, phương thức thực hiện của Google và Apple lại có phần khác nhau, nếu như iOS làm điều này bằng cách chỉnh màu màn hình từ mát thành ấm, thì Android lại trực tiếp chuyển màn hình từ có màu thành đen trắng.
Hai tính năng khác được cập nhật là Shush - cho phép điện thoại tự động chuyển về chế độ Do Not Disturb khi màn hình được đặt úp xuống - và một tính năng khác của YouTube cho phép nhóm tất cả các thông báo của ứng dụng này lại và chỉ gửi chúng tới người dùng mỗi ngày 1 lần mà thôi. Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để làm rõ mối liên quan giữa các thông báo trên điện thoại và sự mất tập trung, lo lắng của người sử dụng. Tuy nhiên, kết quả của những nghiên cứu này không đơn giản chỉ là "thông báo = xấu". Thay vào đó, những gì chúng thể hiện là việc thông báo xuất hiện như thế nào và vào lúc nào, mới là điều quan trọng.
"Quá nhiều thông báo có thể sẽ dẫn đến việc sức tập trung bị quá tải. Tuy nhiên, quá ít thông báo sẽ dẫn đến 'nỗi sợ bỏ lỡ các thông tin quan trọng'. Chính vì vậy, việc tìm cách cân bằng chúng là điều hết sức cần thiết." - Kostadin Kushlev, một nhà tâm lý học tại trường Đại học Virginia cho biết.
"Về cơ bản, những bước đi mà Google làm với Android P là rất tốt, tuy nhiên tôi rất muốn có thêm nhiều nghiên cứu nghiêm túc cho thấy rằng người dùng thích những tính năng này, thực sự cần chúng, và cảm thấy chúng có ích cho cuộc sống của mình hơn. Điều này sẽ tốt cho khoa học, và tốt cho sản phẩm của Google hơn nữa." - ông Andrew Przybylski cho biết.
Nhưng quan trọng hơn hết, điều này tốt cho những người dùng cuối.
Tham khảo Wired
KUROE , THEO TRÍ THỨC TRẺ
>>Có thể bạn quan tâm: Tất tần tật mọi thứ Google đã công bố tại I/O 2018