AMP là gì? Những lợi ích và cách cài đặt AMP

2783
04-12-2024
AMP là gì? Những lợi ích và cách cài đặt AMP

Trong thời buổi hiện nay, khi xây dựng website thì việc đáp ứng được nhu cầu truy cập của người dùng di động là rất quan trọng. Có nhiều cách tăng tốc độ tải trang trên các thiết bị di động, một trong số đó là sử dụng AMP. Vậy AMP là gì? Nó có tác dụng như thế nào cho trang web của bạn? Và cài đặt AMP ra sao? Bizfly Cloud sẽ giải đáp các thắc mắc trên.

AMP là gì?

AMP là viết tắt của Accelerated Mobile Pages (các trang di động tăng tốc), là một framework được phát triển bởi Google và Twitter để tăng tốc độ hiển thị trang của các thiết bị di động.

AMP là gì? Những lợi ích và cách cài đặt AMP - Ảnh 1.

AMP là gì?

Google AMP là gì?

Accelerated Mobile Pages (AMP), do Google phát triển, đây là một giải pháp giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên các thiết bị di động. Công nghệ này vận dụng HTML đơn giản hóa, thư viện Javascript được tinh chỉnh và mạng phân phối nội dung (CDN) để giảm thời gian tải trang web trên các thiết bị di động, qua đó tăng cường hiệu quả tương tác và khả năng hiển thị.

Các kỹ thuật cơ bản của AMP

  • Kỹ thuật lazy loading image: Với kỹ thuật này việc tải hình ảnh lên sẽ được làm trì hoãn cho đến khi người dùng thật sự cần phải xem nó. Bạn có thể hiểu cụ thể đó chính là hình ảnh sẽ được tải lên đầy đủ khi người dùng cuộn trang đến đúng vị trí đó. Đây chính là cách giúp giảm thiểu tài nguyên thừa trên website, giúp tăng tốc độ tải trang lên nhanh hơn.
  • Tải javascript bất đồng bộ async: Phương pháp này cho phép trình duyệt thực thi mã và tải dữ liệu song song, giảm thời gian chờ đợi của người dùng.
  • Tận dụng CDN: CDN (Content Delivery Network) là hệ thống máy chủ được đặt ở nhiều vị trí địa lý khác nhau trên toàn cầu. CDN sử dụng hệ thống máy chủ phân bố toàn cầu để lưu trữ và phân phối nội dung, rút ngắn thời gian tải nhờ cơ chế bộ nhớ đệm (cache).

Cách hiển thị của AMP trên Google Search

Kết quả trên Google hiển thị biểu tượng tia chớp và chữ AMP ngay bên cạnh các trang. Khi thực hiện nhấp chuột vào các liên kết người dùng có thể truy cập nội dung AMP thông qua 2 dạng:

  • Trình xem AMP của Google, tối ưu trải nghiệm di động bằng cách lưu trữ và phân phối nội dung.
  • Signed Exchange, hiển thị URL của trang web gốc.

Trạng thái AMP hiển thị trong Google Console

Google Search Console cung cấp báo cáo về hiệu suất AMP, cho phép quản trị viên website theo dõi các trang đã được lập chỉ mục thành công cũng như xác định những trang gặp sự cố. Ví dụ cụ thể như số lượng trang AMP hợp lệ được đánh chỉ mục là 23, trang AMP có vấn đề nghiêm trọng cần kiểm tra và thực hiện các biện pháp khắc phục được đánh dấu là 7. Như vậy quản trị viên có thể dễ dàng theo dõi rằng AMP nào đang hoạt động bình thường và AMP nào đang có lỗi cần được khắc phục.

AMP Plugin

Các plugin AMP thường hoạt động hiệu quả nhất với các trang web đã được tối ưu hóa HTML, đặc biệt là những trang đã loại bỏ các đoạn mã không cần thiết như Google Tag Manager để tăng tốc độ tải trang. Trong phiên bản AMP, mã JavaScript trên trang web gốc có thể bị loại bỏ hoặc không được hiển thị.

AMP hoạt động thế nào?

AMP (Accelerated Mobile Pages) tăng tốc độ tải trang bằng ba kỹ thuật chính:

  • AMP HTML: HTML được tối ưu hóa, sử dụng các thẻ tùy chỉnh và loại bỏ các phần tử gây chậm đảm bảo tốc độ tải trang nhanh nhất.
  • AMP JS: Thư viện JavaScript quản lý tài nguyên, đảm bảo các yếu tố trên trang đều tuân thủ các nguyên tắc của AMP và ngăn chặn các tác động tiêu cực đến hiệu suất.
  • AMP Cache: Hệ thống lưu trữ nội dung của Google, cung cấp các phiên bản được lưu trữ sẵn, giúp tăng tốc độ tải trang bằng cách phục vụ các phiên bản được lưu trữ trên máy chủ của Google.

Những lợi ích của AMP

Tăng sự hài lòng của khách hàng

Như đã giới thiệu ở đầu, thời gian tải trang và tỷ lệ thoát có liên quan chặt chẽ với nhau. Khi truy cập một trang web, người dùng có một số mục đích. Cho dù mục đích là thu thập thông tin hoặc mua sản phẩm, giảm thiểu thời gian chờ đợi, căng thẳng sẽ dẫn đến sự hài lòng của khách hàng.

Đặc biệt đối với người dùng di động, không phải lúc nào họ cũng có thể truy cập từ một kết nối internet mạnh mẽ. Vì vậy điều quan trọng là hiển thị trang mượt mà, nhanh chóng nhất có thể.

Trang web có thể dễ truy cập hơn từ kết quả tìm kiếm

Từ màn hình kết quả tìm kiếm, người dùng có thể thấy trang nào hỗ trợ AMP. Nên trong nhiều trường hợp, người dùng sẽ có sự ưu tiên trang web hỗ trợ AMP do truy cập nó trơn tru hơn các trang không hỗ trợ. Tất nhiên, bạn cần phải là người dùng biết về AMP trước khi sinh ra sự thiên vị đó. Một tin vui là sự phổ biến của AMP có thể tăng lên trong tương lai khi Google vẫn công nhận AMP như một giải pháp hữu ích.

Ngoài ra, carousel có thể được hiển thị khi bạn tìm kiếm bằng thiết bị di động và AMP có thể hiển thị nhiều hơn các trang khác. Carousel không phải lúc nào cũng được hiển thị, nhưng nếu nó được hiển thị, bạn có thể mong đợi sự gia tăng lượt truy cập trang.

Cải thiện tốc độ hiển thị ảnh hưởng tích cực cho SEO

Mặc dù hỗ trợ AMP không có nghĩa là thứ hạng tìm kiếm của trang web sẽ tăng lên. Nhưng thời gian tải trang là một yếu tố quan trọng trong SEO. Hỗ trợ AMP giúp gia tăng khả năng người dùng xem nội dung website, và nếu bạn có thể cung cấp trải nghiệm người dùng chất lượng cao, thì đó sẽ là một sự cải thiện thứ hạng SEO đáng kể.

Ưu và nhược điểm của Google AMP

Accelerated Mobile Pages (AMP) mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có một số hạn chế như sau:

Ưu điểm

  • Tăng tốc độ tải trang vượt trội: AMP giúp tải trang nhanh hơn từ 15% đến 80% so với trang web thông thường, nhờ vào việc tối ưu hóa mã nguồn và sử dụng bộ nhớ cache.
  • Thứ hạng tìm kiếm trên di động tốt hơn: Việc sử dụng AMP có tác động tích cực đến thứ hạng tìm kiếm trên thiết bị di động.
  • Giảm tải cho máy chủ: Với lượng truy cập di động lớn, AMP giúp giảm tải cho máy chủ bằng cách sử dụng bộ nhớ cache giúp tăng hiệu suất tổng thể.

Nhược điểm

  • Gặp khó khăn trong quản lý quảng cáo: Việc triển khai và tối ưu hóa quảng cáo trên AMP có thể phức tạp hơn và đôi khi bị giới hạn để ưu tiên tốc độ tải trang. 
  • Quản lý Google Analytics phức tạp: Theo dõi và phân tích dữ liệu đòi hỏi phải triển khai thêm các cấu hình riêng biệt cho từng trang, gây tốn thời gian và công sức.
  • Phụ thuộc vào hệ thống cache: Sự cố với cache có thể ảnh hưởng đến tốc độ tải trang. AMP không cung cấp công nghệ riêng để tăng tốc độ tải, mà chủ yếu dựa vào caching.

Cài đặt AMP cho website

Nếu triển khai hiệu quả, AMP có thể cải thiện sự hài lòng của người dùng bằng cách cải thiện tốc độ hiển thị. Dưới đây là một số phương pháp dành cho bạn:

Phương pháp 1: Sử dụng plug-in WordPress

Nếu trang web của bạn sử dụng WordPress, bạn có thể dễ dàng hỗ trợ AMP bằng cách sử dụng plugin có tên "AMP". Plugin này sẽ tự động tạo một trang web hỗ trợ AMP. Tương ứng với trang AMP là URL sẽ được thêm vào "/amp/" ở cuối. Trong trường hợp hỗ trợ AMP, giao diện có thể thay đổi một chút so với thiết kế ban đầu.

AMP là gì? Những lợi ích và cách cài đặt AMP - Ảnh 3.

Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra trước xem phiên bản của plugin có tương ứng với phiên bản WordPress đang chạy hay không. Xin lưu ý rằng bạn nên thực hiện các biện pháp an toàn như sao lưu dữ liệu trước khi cài đặt plugin.

Sau khi bật plugin, hãy thử thêm "/amp/" vào URL để kiểm tra xem trang tương thích AMP có được hiển thị hay không. Ngoài ra, bạn cần thực hiện các cài đặt cần thiết giống như trang web thông thường, chẳng hạn như thiết lập Google Analytics.

Cấu trúc HTML AMP đơn giản

  • AMP sử dụng HTML với các thẻ đặc biệt.  Cấu trúc cơ bản bao gồm:                                `<!doctype html>`: Khai báo loại HTML.
  • `<html ⚡>` hoặc `<html amp>`: Xác định đây là trang AMP.
  • `<head>` và `<body>`:  Các thẻ tiêu chuẩn.
  • `<meta charset="utf-8">`:  Khai báo bộ ký tự.
  • `<script async src="https://cdn.ampproject.org/v0.js"></script>`:  Nhúng thư viện AMP.
  • `<link rel="canonical" href="$SOME_URL">`:  Liên kết tới phiên bản chuẩn của trang.
  • `<meta name="viewport" content="width=device-width,minimum-scale=1">`: Cấu hình hiển thị trên thiết bị di động.
  • Mã boilerplate AMP:  Các thẻ bổ sung cần thiết (tham khảo tài liệu AMP chính thức).

Lưu trữ AMP trên URL

Đề xuất sử dụng URL phù hợp để người dùng dễ dàng nhận biết, ví dụ:

  • `amp.example.com/subfolder/this-is-an-example.html`
  • `example.com/subfolder/this-is-an-example-amp.html’

Làm cho AMP của bạn dễ khám phá

Trên trang không phải AMP: Thêm `<link rel="amphtml" href="URL_AMP">` để chỉ định phiên bản AMP.

Trên trang AMP: Thêm `<link rel="canonical" href="URL_CHUẨN">` để chỉ định phiên bản chuẩn.  Nếu chỉ có phiên bản AMP,  `<link rel="canonical" href="URL_AMP">` được sử dụng.\

AMP độc lập (không có phiên bản chuẩn) cần được liên kết với các trang khác trên website hoặc được liệt kê trong sitemap.xml để Google có thể tìm kiếm và lập chỉ mục.

Kiểm tra tính hợp lệ của trang AMP

Sử dụng Google Search Console để kiểm tra xem trang AMP có hoạt động đúng và đáp ứng các tiêu chuẩn của Google hay không.  Theo dõi thường xuyên để phát hiện và khắc phục lỗi. 

Cách AMP mang đến hiệu quả cho website doanh nghiệp

  • Tăng lượng truy cập: Người dùng thường rời bỏ trang web tải chậm trên 3 giây. Vì vậy AMP giúp giữ chân khách hàng và tăng lượng truy cập.
  • Cải thiện SEO: Google ưu tiên các website thân thiện với thiết bị di động và tải nhanh. AMP giúp cải thiện thứ hạng tìm kiếm và tăng khả năng hiển thị trên kết quả tìm kiếm (SERP), tăng khả năng website được Google đánh giá cao hơn.
  • Nâng cao hiệu suất máy chủ: AMP tối ưu hóa tài nguyên, giúp giảm tải cho máy chủ, đặc biệt hữu ích với website có nhiều tính năng.  
  • Tăng doanh thu từ quảng cáo:  AMP cho phép tích hợp quảng cáo mà không ảnh hưởng đến tốc độ tải.  Khả năng hiển thị quảng cáo hiệu quả hơn nhờ người dùng ở lại trang web lâu hơn, dẫn đến tăng cơ hội tiếp cận và tương tác với quảng cáo.

Cách mở website dạng AMP trên Chrome

Nhiều website hiện nay hỗ trợ Accelerated Mobile Pages (AMP) để tăng tốc độ tải trên thiết bị di động, đặc biệt hữu ích khi kết nối mạng yếu. 

Hướng dẫn mở website dạng AMP trên Chrome:

  • Bước 1: Mở Chrome, tìm kiếm và cài đặt tiện ích mở rộng AMP Browser Extension (hoặc tương tự).
  • Bước 2: Duyệt web tìm kiếm thông tin như bình thường. Các trang web có phiên bản AMP sẽ được hiển thị với biểu tượng tia chớp màu xanh cạnh URL.
  • Bước 3: Khi truy cập, trang web sẽ tự động chuyển sang phiên bản AMP. Nội dung thường được tải trước, tiếp theo là hình ảnh và quảng cáo.
  • Bước 4: Để quay lại giao diện chuẩn, bạn nhấp vào biểu tượng tiện ích trên thanh địa chỉ. Biểu tượng sẽ chuyển sang màu xám nghĩa là AMP đã tắt.

Bạn có thể tắt chức năng tự động tải AMP hoặc tùy chỉnh danh sách các website không sử dụng AMP.

Cách vô hiệu hóa Google AMP trong tìm kiếm Google trên Android và IOS

Như bạn đã biết thì giao diện AMP phù hợp để sử dụng khi thiết bị của bạn có kết nối internet chậm hoặc bị giật lag. Tuy nhiên nếu như bạn sở hữu kết nối có tốc độ cao và muốn nhận được phiên bản cao cấp hơn của trang web thì bạn hãy vô hiệu hóa nó bằng một trong các cách sau:

Cách 1: Sử dụng tìm kiếm Google được mã hóa.

  • Thay vì tìm kiếm từ thanh Search trên trình duyệt thì bạn hãy mở Encrypted.google.com. Tiếp theo thực hiện việc tìm kiếm như thông thường.
  • Mặc dù không phải lúc nào nó cũng được điều hướng đến các trang Web được mã hóa nhưng bạn có thể đặt nó trên trang chủ mặc định của các thiết bị  Android và IOS.

Cách 2: Sử dụng DuckDuckGo

Dùng DuckDuckGo để tìm kiếm trên Google bởi đây là công cụ giúp bạn tìm kiếm tập trung và bảo mật cao. Khi tìm kiếm nó sẽ hiển thị liên kết ban đầu. Công cụ này có thể được sử dụng trên các thiết bị di động Android hoặc iOS.

Những lưu ý khi sử dụng AMP

Trước khi quyết định cài đặt AMP cho website, hãy cân nhắc những yếu tố sau:

AMP có thể ảnh hưởng đến thiết kế trang web

Nếu bạn tạo một trang theo thông số của AMP, nhiều khi sẽ không thể sao chép một thiết kế phức tạp. Do đó, trước khi cài đặt AMP bạn cần xem xét về khả năng tái tạo lại các thiết kế của trang gốc: nó có cần thiết không, có thể tái tạo được với trang hỗ trợ AMP không?

Bên cạnh đó, để tránh phát sinh những sai khác giữa trang web thường và trang web có ứng dụng AMP thì bạn nên tạo trang bằng các design đơn giản có độ tương thích với AMP. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý có một số JavaScript không sử dụng được.

Rắc rối khi làm việc với các thông số kỹ thuật AMP

Trang tương thích với AMP chỉ nên được xây dựng sau khi bạn đã hiểu đặc điểm kỹ thuật của trang AMP. Mặc dù nó không có nhiều khó khăn về mặt kĩ thuật nhưng lại khá mất thời gian trong việc thao tác.

Khó khăn khi phân tích lượng truy cập

Phiên bản AMP tương ứng của bất kỳ trang nào thì vẫn có URL khác nhau. Do đó, phân tích trở nên phức tạp khi phân tích quyền truy cập bằng Google Analytics. Ngay cả khi nội dung giống nhau, chúng ta phải suy nghĩ về cách tổng hợp dữ liệu của từng trang bình thường và trang AMP. Trong mọi trường hợp, phân tích dữ liệu sẽ rất mệt mỏi khi có trang AMP.

Một số trang web không phù hợp với AMP

Mặc dù AMP mang lại lợi ích cho các trang web tĩnh, nhưng nó không phù hợp với các trang web có nhiều nội dung động.

Những trang web được lợi khi sử dụng AMP bao gồm các trang tin tức, báo chí, thông tin chính thống,.... Ngược lại, AMP không phù hợp với những trang có nhiều nội dung động hay nhiều hiệu ứng.

Tổng kết

Nền tảng AMP có thể góp phần cải thiện sự hài lòng của khách hàng qua sự cải thiện tốc độ hiển thị. Mặc dù không quá khó để cài đặt AMP, nhưng có thể nói rằng nó khá rắc rối ở các công đoạn quản lý. Ngoài ra, việc ứng dụng này dễ hay khó cũng còn phụ thuộc vào thông số kĩ thuật của trang web mà bạn có.

Vì vậy mà bạn cần phải xem xét mức độ cần thiết của công việc, khả năng tương thích của trang để quyết định có nên ứng dụng AMP hay không. Một đặc trưng của AMP bạn cần phải nắm được đó chính là nó cung cấp cho người dung một môi trường kết nối vào các trang một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Tham khảo: https://ferret-plus.com/11854

SHARE