SNMP là gì? Cách hoạt động và ưu điểm của SNMP

2027
29-06-2021
SNMP là gì? Cách hoạt động và ưu điểm của SNMP

SNMP có lẽ là khái niệm tương đối lạ lẫm với hầu hết mọi người, nhưng lại là giao thức phải biết với mọi quản trị viên hệ thống mạng. Vậy SNMP là gì và nó có tác dụng gì? Hãy cùng Bizfly Cloud tìm hiểu trong bài viết hôm nay.

Giao thức SNMP là gì?

Simple Network Management Protocol hay SNMP là giao thức mạng được dùng để giám sát và quản lý các thiết bị trong mạng giao thức Internet. Thông thường, SNMP được nhúng trong những thiết bị cục bộ, chẳng hạn như router, switch, server, tường lửa hay điểm truy cập không dây cho phép truy cập bằng địa chỉ IP.

SNMP được dùng để giám sát và quản lý các thiết bị trong mạng giao thức Internet

SNMP được dùng để giám sát và quản lý các thiết bị trong mạng giao thức Internet

Các thành phần của SNMP

SNMP bao gồm 4 thành phần chính: SNMP Manager, Managed Devices, SNMP Agent và MIB.

SNMP Manager

SNMP Manager hay trình quản lý SNMP (còn được gọi là NMS) là hệ thống trung tâm được sử dụng để giám sát mạng SNMP. trình quản lý SNMP chịu trách nhiệm giao tiếp với các thiết bị mạng do SNMP-agent thực hiện. Nó chạy trên một máy chủ trên mạng. Người quản lý truy vấn các tác nhân, nhận phản hồi, đặt các biến trong đó và ghi nhận các sự kiện từ chúng.

Managed Devices

Managed Devices – các thiết bị được quản lý là những thực thể trong mạng hỗ trợ SNMP được quản lý bởi trình quản lý SNMP. Đây thường là bộ định tuyến, thiết bị chuyển mạch, máy in hoặc thiết bị không dây.

SNMP Agent

SNMP Agent hay tác nhân SNMP là một quy trình phần mềm phản hồi các truy vấn SNMP để cung cấp trạng thái và số liệu thống kê về một nút mạng. Các SNMP Agent đóng vai trò quan trọng nhất trong quản lý, chúng được định vị cục bộ và được liên kết với các thiết bị mạng SNMP mà từ đó chúng thu thập, lưu trữ và truyền dữ liệu giám sát. Dữ liệu được truyền đến trình quản lý SNMP được chỉ định khi tạo truy vấn.

MIB - Management Information Base

MIB – Cơ sở thông tin quản lý là thành phần không thể thiếu của SNMP. SNMP MIB là một cấu trúc xác định định dạng trao đổi thông tin trong hệ thống SNMP. Mọi SNMP Agent đều duy trì một cơ sở dữ liệu thông tin mô tả các thông số của thiết bị mà nó quản lý. SNMP Manager là một hệ thống phần mềm sử dụng SNMP để thu thập dữ liệu nhằm quản lý lỗi, quản lý hiệu suất và lập kế hoạch năng lực. SNMP Manager lưu trữ dữ liệu thu thập được trong MIB dưới dạng cơ sở dữ liệu được chia sẻ chung giữa Agent và Manager. MIB được lưu dưới dạng tệp văn bản ở định dạng cụ thể mà trình soạn thảo MIB, trình tạo SNMP Agent, công cụ quản lý mạng và công cụ mô phỏng mạng có thể hiểu được, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, kiểm tra, triển khai và hoạt động mạng. Các đối tượng được quản lý trong MIB được gọi là định danh đối tượng (object ID hoặc OID, xem mục dưới).

Ở trên ta đã liệt kê 4 thành phần chính của SNMP, sau đây là định nghĩa về OID.

OID

Định danh đối tượng (OID) được biểu diễn bằng các chuỗi số phân tách bằng dấu chấm. Có hai loại đối tượng được quản lý:

Scalar (Vô hướng): Các đối tượng được xác định bởi một cá thể đối tượng (tức là chỉ có thể có một kết quả.)

Tabular (Bảng): Các đối tượng được xác định bởi nhiều cá thể đối tượng có liên quan được nhóm trong các bảng MIB.

MIB tổ chức các OID theo thứ bậc, có thể được biểu diễn trong một cấu trúc cây có các số nhận dạng biến riêng cho từng OID. Cấu trúc cây này chứa tất cả các tính năng có thể quản lý của tất cả các sản phẩm được sắp xếp trong đó. Mỗi nhánh của cây này có một số và một tên, và mỗi điểm được đặt tên theo con đường hoàn chỉnh từ ngọn cây trở xuống dẫn đến điểm đó.

Các thành phần của SNMP

Lợi ích của SNMP là gì?

SNMP giúp người dùng quản lý các thiết bị sử dụng mạng nhưng không có hệ điều hành, tuy nhiên lại là những thành phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng. SNMP có khả năng làm đơn giản hóa các nhiệm vụ để người dùng có thể quản lý tập trung trên mạng của họ. Giao thức này giúp cho việc kiểm soát trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn, ngay cả với những thiết bị không có hệ điều hành như máy in.

Ngoài ra, SNMP có một ngôn ngữ duy nhất cho phép tương tác với tất cả các thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, tương thích với đa số asset và dịch vụ mạng (Windows, Linux, Mac, máy ảo Java).

SNMP không chỉ cung cấp hỗ trợ chủ động mà còn giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua dự đoán nhu cầu.

Một số lợi ích khác của SNMP có thể kể đến như:

  • Thiết kế đơn giản, có thể dễ dàng triển khai trên mạng do không yêu cầu cấu hình lâu
  • SNMP được hỗ trợ trong hầu hết các sản phẩm của các nhà sản xuất thiết bị phần cứng liên mạng lớn như switch, router
  • Khả năng mở rộng tốt, cho phép cập nhật giao thức một cách dễ dàng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai
  • Hoạt động dựa trên giao thức truyền tải UDP, do đó tiêu tốn ít tài nguyên hơn, cho phép kết nối đồng thời hơn với TCP
Lợi ích của SNMP là gì

SNMP giúp người dùng quản lý các thiết bị sử dụng mạng nhưng không có hệ điều hành

SNMP hoạt động như thế nào?

Lưu lượng dữ liệu di chuyển trong mạng qua mỗi thao tác di chuyển, duyệt, tải xuống dữ liệu,… SNMP trao đổi với mạng các thông tin liên quan đến hoạt động của thiết bị mạng trong quá trình đó, ví dụ: số byte, gói và lỗi được truyền và nhận trên bộ định tuyến, tốc độ kết nối giữa các thiết bị hoặc số lần truy cập mà máy chủ web nhận được,…

SNMP hoạt động bằng cách gửi các tin nhắn (messages), được gọi là đơn vị dữ liệu giao thức (PDU – Protocol Data Unit), đến các thiết bị trong mạng tương thích SNMP. Những thông báo này được gọi là SNMP Get-Request. Sử dụng các lệnh yêu cầu này, quản trị viên mạng có thể theo dõi hầu như mọi giá trị dữ liệu mà họ chỉ định. Tất cả các thông tin theo dõi SNMP có thể được cung cấp cho một phần mềm khác để hiển thị hoặc lưu trữ dữ liệu, tùy thuộc vào tùy chọn của quản trị viên.

Sau đây là danh sách các lệnh yêu cầu Get-Request trong SNMP:

GetRequest

GetRequest yêu cầu Agent cung cấp giá trị hiện tại của OID. SNMP Manager gửi thông báo này để yêu cầu dữ liệu từ SNMP Agent. SNMP Agent phản hồi với giá trị được yêu cầu thông qua thông báo phản hồi (Response).

GetNextRequest

Lệnh này yêu cầu đối tượng tiếp theo trong MIB. Điều này có nghĩa là bạn có thể duyệt MIB mà không cần chỉ định các OID cụ thể (giống như dùng vòng for để duyệt qua mọi phần tử mảng). Lệnh này có thể được gửi để khám phá dữ liệu nào có sẵn trên SNMP Agent. SNMP Manager có thể yêu cầu dữ liệu liên tục cho đến khi không còn dữ liệu nào nữa. Bằng cách này, SNMP Manager có thể nắm được tất cả dữ liệu có sẵn trên SNMP Agent.

GetBulkRequest

GetBulkRequest thực hiện nhiều yêu cầu GetNextRequest. Lệnh này được sử dụng bởi SNMP Manager để truy xuất lượng dữ liệu lớn cùng một lúc từ các SNMP Agent, nó được giới thiệu trong SNMPv2c.

SetRequest

SetRequest yêu cầu Agent thay đổi giá trị trên máy chủ từ xa, đây là thao tác ghi duy nhất trong toàn bộ giao thức SNMP.

Phản hồi của Agent

Response

Đây là một tin nhắn phản hồi với dữ liệu đi kèm là thông tin được yêu cầu ở GetRequest, hoặc một giá trị xác nhận lệnh đặt giá trị SetRequest đã được thực hiện thành công trên Agent.

Trap

Trap là một thông báo "bẫy" không được yêu cầu bởi Manager, cung cấp thông tin về các sự kiện trên thiết bị. Các SNMP Trap đã được đổi tên thành “Notifications” trong các phiên bản SNMP sau này. Agent không gửi Trap theo yêu cầu từ Manager mà thực hiện tự động khi có lỗi xảy ra.

InformRequest

InformRequest được giới thiệu trong SNMPv2c, được sử dụng để xác định xem thông điệp Trap đã được nhận bởi SNMP Manager hay chưa. Các Agent có thể được cấu hình để gửi Trap liên tục đến khi có phản hồi.

Ưu điểm của SNMP

Ưu điểm chính của SNMP là nó là một tiêu chuẩn mở. Các giao thức mở được thiết kế để chống lại sự lãng phí công sức và chi phí khi một nhà sản xuất phát triển giao thức "độc quyền" của riêng mình mà chỉ hệ sinh thái sản phẩm của họ họ mới hỗ trợ. Ví dụ, bạn không thể dùng cáp USB-C vốn sạc tốt cho điện thoại Android, laptop, bộ sạc dự phòng của mình để sạc một thiết bị IPhone mà phải mua cáp chuẩn lightning độc quyền của Apple cho dù mức giá cao và gây nhiều bất tiện.

Tính mở cũng cho phép việc phát triển SNMP nhanh và hiệu quả hơn. Đồng thời, số lượng lớn các nhà phát triển tham gia đóng góp sẽ đảm bảo tính tương thích rộng cho nhiều loại phần cứng. Nhìn chung, sự “mở” trong lĩnh vực công nghệ luôn đem tới những hiệu ứng tốt.

Ưu điểm chính của SNMP là nó là một tiêu chuẩn mở

Ưu điểm chính của SNMP là nó là một tiêu chuẩn mở

SNMP đem lại những gì?

Mục tiêu cơ bản của SNMP là cung cấp khả năng theo dõi và quản lý trạng thái của các thiết bị mạng. Tuy nhiên, bản thân SNMP chỉ có chức năng cung cấp thông tin cơ bản về các thành phần mạng, quản trị viên sẽ cần các công cụ khác nhau để phân tích và xử lý các thông tin này phục vụ cho công việc của mình.

Thông qua các công cụ giám sát như PRTG, SNMP cung cấp một số tính năng:

  • Tổ chức cấu trúc mạng
  • Cảnh báo & thông báo đẩy: cung cấp thông tin thời gian thực về các trạng thái mạng để có phản ứng kịp thời
  • Báo cáo thống kê: giúp trực quan hóa quá trình theo dõi quản lý mạng
  • Lập kế hoạch: dựa trên dữ liệu thu thập để đưa ra các kế hoạch vận hành hệ thống mạng ổn định như dự phòng, cân bằng tải,…

Hi vọng bài viết của chúng tôi đã phần nào giải đáp cho các bạn những thắc mắc về SNMP và những đặc tính của nó. Là một phần của bộ giao thức Internet cơ bản, tầm quan trọng của SNMP có lẽ là điều không cần bàn cãi và sẽ còn được sử dụng trong quản trị mạng trong nhiều năm tới.

>>> Xem thêm: SNMP: Phân biệt OID ifAdminStatus và ifOperStatus

BizFly Cloud là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với chi phí thấp, được vận hành bởi VCCorp.

BizFly Cloud là một trong 4 doanh nghiệp nòng cốt trong "Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam" của Bộ TT&TT; đáp ứng đầy đủ toàn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật của nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Độc giả quan tâm đến các giải pháp của BizFly Cloud có thể truy cập tại đây.

DÙNG THỬ MIỄN PHÍ và NHẬN ƯU ĐÃI 3 THÁNG tại: Manage.bizflycloud

TAGS: SNMP
SHARE