Google ngưng các dịch vụ Android trên điện thoại Huawei - người dùng có bị ảnh hưởng? Huawei đáp trả ra sao?
Gã khổng lồ trong làng công nghệ Trung Quốc – nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới - đang chịu áp lực gia tăng sau khi Google thu hồi giấy phép sử dụng Android của Huawei. Google đã xác nhận quyết định cấm Android trên điện thoại thông minh Huawei theo lệnh từ chính phủ Mỹ.
Người dùng điện thoại Huawei sẽ chịu những thiệt hại gì?
Google xác nhận rằng các thiết bị Huawei hiện tại vẫn có thể truy cập các dịch vụ của Google's Play Store. Tuy nhiên, liệu các thiết bị này có nhận được các bản cập nhật hệ điều hành Android trong tương lai hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Điều này cũng dấy lên những nghi ngại liệu các thiết bị Huawei hiện tại có nhận được Android Q sắp ra mắt hay không. Mặc dù người dùng Huawei hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng nếu gã khổng lồ Google thực sự ra quyết định hạn chế các bản cập nhật Android tiếp theo trên các thiết bị này, người dùng Huawei chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Bản thân Huawei đã từng rất tích cực trong việc cung cấp cho người dùng các bản cập nhật Google kịp thời. Giờ đây, với lệnh cấm, Huawei sẽ bị hạn chế sử dụng Android Open Source Project (AOSP) cho các thiết bị sắp tới của mình. Điều này có nghĩa là Huawei chỉ có thể đẩy các bản cập nhật phần mềm và bảo mật cho người dùng mới thông qua các bản cập nhật OTA chỉ khi họ được AOSP cho phép.
Liệu lệnh cấm có khiến Huawei gặp khó khăn?
Huawei sở hữu thị phần bán lẻ và phân phối rộng lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Lệnh cấm này trên thực tế sẽ không gây ảnh hưởng gì đối với người dùng Trung Quốc vì các dịch vụ của Google đã bị chính phủ Trung Quốc hạn chế trên đất nước này. Tuy nhiên, những ảnh hưởng nghiêm trọng có thể đến từ người dùng bên ngoài Trung Quốc.
Lệnh cấm sẽ là một rào cản chính khi người mua cân nhắc mua điện thoại Huawei. Mặc dù công ty luôn chú trọng vào sản xuất phần cứng hiệu quả, nhưng chỉ khi kết hợp với hệ điều hành Android và các tính năng đi kèm mới tạo nên sự hấp dẫn cho người dùng. Doanh số bán của điện thoại thông minh Huawei hiện chỉ đứng sau Samsung trên toàn thế giới, và đang trên đường giành lấy vị trí dẫn đầu vào năm 2020. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, có vẻ như điều này sẽ không thể trở thành hiện thực.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể sẽ phải hứng chịu các hiệu ứng ngược từ động thái này. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, cũng là đối tác thương mại lớn của các công ty Hoa Kỳ, đặc biệt là các đại gia công nghệ như Intel, Qualcomm, Xilinx và thậm chí Google. Không thể bán sản phẩm của mình cho Huawei sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty này. Do đó, rất có thể nền kinh tế Hoa Kỳ cũng sẽ phải chịu những ảnh hưởng tương tự.
Động thái đáp trả của Huawei
Huawei đã bắt tay vào xây dựng hệ điều hành riêng của mình trong vài năm qua. Công ty đã tuyên bố tại nhiều sự kiện khác nhau rằng họ đang xây dựng một hệ sinh thái phần mềm riêng cho các thiết bị của họ. Richard Yu, một trong những nhà quản lý đứng đầu Huawei, đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn gần đây về việc công ty có hệ điều hành riêng và họ đã chuẩn bị cho một sự việc tương tự như thế này. Yu khẳng định công ty đã chuẩn bị trước "Plan B"- kế hoạch dự phòng cho ngày hôm nay. Ông cũng nói rằng họ đương nhiên vẫn sẽ muốn tham gia các hệ sinh thái sẵn có của Google và Microsoft.
Ngoài tuyên bố của Richard Yu, Huawei, trong một phản hồi ít ỏi qua email với The Verge, nói rằng công ty đã có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển của hệ sinh thái Android trên phạm vi toàn cầu. Công ty cũng đề cập rằng những đóng góp của họ cho Android Open Source Project đã mang lại lợi ích lớn cho cả người dùng nói riêng và lĩnh vực công nghệ nói chung.
Huawei cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật cũng như các dịch vụ sau bán hàng cho tất cả các điện thoại thông minh Huawei đã được bán và cả hàng dự trữ. Họ cũng nói thêm rằng sẽ tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái phần mềm an toàn và bền vững, nhằm cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho tất cả người dùng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, động thái cấm cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho Huawei phía Hoa Kỳ sẽ có tác động rất lớn đến thị trường điện thoại thông minh toàn cầu hiện tại. Và đối với người dùng trên toàn thế giới muốn tiếp tục sử dụng HĐH Android cũng như điện thoại thông minh Huawei, tất cả những gì họ có thể làm là hy vọng vào một thỏa thuận giải quyết ổn thỏa có thể được thực hiện giữa hai bên.
Theo BizFly Cloud tổng hợp
>> Có thể bạn quan tâm: Chrome 74 chính thức ra mắt: Hỗ trợ giao diện Dark Mode, chế độ Lite Mode tiết kiệm data
BizFly Cloud là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với chi phí thấp, được vận hành bởi VCCorp.
BizFly Cloud là một trong 4 doanh nghiệp nòng cốt trong "Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam" của Bộ TT&TT; đáp ứng đầy đủ toàn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật của nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.
Độc giả quan tâm đến các giải pháp của BizFly Cloud có thể truy cập tại đây.
DÙNG THỬ MIỄN PHÍ và NHẬN ƯU ĐÃI 3 THÁNG tại: Manage.bizflycloud