Cloud Windows là gì? Những thông tin bạn cần biết
Trong thị trường hosting sử dụng công nghệ điện toán đám mây, hệ điều hành Linux luôn chiếm phần lớn thị phần nhờ vào tính mở, số lượng công cụ lớn và cộng đồng hỗ trợ đông đảo. Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên mà Microsoft Azure đang là nền tảng điện toán đám mây lớn thứ hai trên thế giới. Cloud Windows vẫn luôn có chỗ đứng riêng trong thị trường Cloud Hosting nhờ những ưu điểm riêng mà Bizfly Cloud sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Cloud Windows là gì?
Cloud Windows là dịch vụ lưu trữ trang web dựa trên công nghệ điện toán đám mây với các máy chủ chạy trên nền hệ điều hành Windows (thường là phiên bản Windows Server). Cloud Windows thường sử dụng bảng điều khiển Plesk để quản lý cấu hình máy chủ.
Sử dụng Cloud Windows để làm gì?
Là một dịch vụ hosting, Cloud Windows cũng có chức năng lưu trữ và vận hành các website trên môi trường Internet. Điểm khác biệt là các server trong hệ thống Cloud Windows sử dụng hệ điều hành Windows với công nghệ điện toán đám mây.
Cloud Windows đặc biệt phù hợp với các website sử dụng công nghệ từ hệ sinh thái của Microsoft. Nếu website được viết bằng C# ASP.NET hay sử dụng các hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server/MS Access thì thường nhà phát triển sẽ phải sử dụng hosting trên nền hệ điều hành Windows để đảm bảo tính tương thích.
Ưu nhược điểm của Cloud Windows
Ưu điểm
Tối ưu chi phí: Xét các dịch vụ truyền thống, Dedicated Hosting yêu cầu bạn lựa chọn và trả tiền cho một cấu hình cố định dù có sử dụng đến hay không. Shared Hosting còn tệ hơn khi website của bạn phải chia sẻ băng thông với các website khác, khiến nhiều thời điểm chất lượng dịch vụ kém do lưu lượng truy cập một website nào đó cùng server tăng đột biến.
Cloud Windows giải quyết tất cả các vấn đề đó nhờ không gian riêng thay đổi linh hoạt cho từng website theo nhu cầu, giúp bạn chỉ phải trả tiền cho những tài nguyên thực sự được sử dụng. Mặc dù mức giá ban đầu của Cloud Windows có thể cao hơn, về lâu dài đây lại là lựa chọn đem đến hiệu quả tối ưu cho người dùng.
Tốc độ cao, ổn định, linh hoạt: Cloud Hosting nói chung và Cloud Windows nói riêng lưu trữ phân tán các website song song trên nhiều cụm máy chủ được đồng bộ, mỗi website lại được phân chia không gian riêng. Trong trường hợp một máy chủ gặp sự cố như quá tải hoặc dừng hoạt động, ngay lập tức các phương pháp cân bằng tải (load balancing) sẽ kích hoạt và chuyển công việc sang một máy chủ khác. Khả năng trên giúp dịch vụ Cloud Windows loại bỏ gần như hoàn toàn downtime của website và giảm áp lực sao lưu dự phòng cho quản trị viên.
Đặc biệt hơn, một vài nhà cung cấp dịch vụ cloud hosting còn cung cấp khả năng tự động tăng giảm băng thông và khả năng xử lý cho server theo thời gian thực, đảm bảo trải nghiệm người dùng ngay cả khi lưu lương truy cập tăng đột biến mà vẫn giữ được mức giá hợp lý.
Độ bảo mật cao: Là một tập đoàn lớn với nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp, Microsoft đem đến những giải pháp bảo mật tốt nhất cho các sản phẩm trên nền Windows. Việc sử dụng mã nguồn đóng cũng phần nào giảm bớt nguy cơ bảo mật có thể xảy ra. Do đó Cloud Windows luôn là lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp lớn cần tính ổn định, bảo mật.
Phù hợp với hệ sinh thái Microsoft: Nếu đã sử dụng qua các sản phẩm trong hệ sinh thái Microsoft, chắc chắn bạn sẽ muốn gắn bó lâu dài với những bộ công cụ chuyên nghiệp hỗ trợ "tận răng" và những tính năng độc quyền đáng giá không xuất hiện ở những sản phẩm khác. Cloud Windows sẽ giúp hoàn thiện trải nghiệm liền mạch đó của hệ sinh thái Microsoft.
Nhược điểm
Chi phí bản quyền: Đi kèm với chất lượng sản phẩm dịch vụ hàng đầu là một mức giá cao không kém, sử dụng Cloud Windows đồng nghĩa bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí cho bản quyền các công cụ liên quan của Microsoft, khiến mức giá cao hơn so với Cloud Hosting Linux cùng cấu hình.
Khó chuyển đổi sang Linux: Chuyển đổi hosting từ Windows sang Linux là khó khăn hơn nhiều so với chiều ngược lại, do đó bạn sẽ nhiều khả năng phải gắn bó lâu dài một khi đã lựa chọn nền tảng này.
Tốc độ cập nhật chậm hơn Linux: Linux nhờ vào lợi thế mã nguồn mở luôn có một cộng đồng đông đảo đóng góp các bản vá bảo mật và tính năng. Cloud Windows trong khi đó cần chờ đợi các bản cập nhật đến từ các kỹ sư tại Microsoft, vốn cần thời gian lâu hơn để phát triển và thừ nghiệm do hạn chế nguồn nhân lực.
Các thông số cơ bản của Cloud Windows
Các thông số của Cloud Windows về cơ bản không khác biệt so với Hosting truyền thống. Bạn vẫn sẽ có dung lượng, băng thông, số lượng tài khoản quản trị và email,…
- Server count: Số server hoạt động song song để vận hành website.
- CPU count: Số lượng lõi vi xử lý của mỗi server cloud hosting.
- RAM: dung lượng bộ nhớ vật lý RAM của mỗi server.
- Webspace (dung lượng ổ đĩa hosting): Quy định không gian lưu trữ cho website, quyết định khả năng lưu trữ các tập tin và dữ liệu của hosting server. Bạn cũng có thể chọn loại ổ cứng lưu trữ HDD với giá rẻ hơn hoặc SSD cho tốc độ cao hơn.
- Bandwidth (băng thông mạng): Là lưu lượng thông tin tối đa được truyền đến và đi khỏi server trong cùng một thời điểm. Băng thông càng lớn khả năng chịu tải càng cao và phục vụ được càng nhiều khách hàng truy cập cùng lúc.
- Data transfer (tổng khối lượng dữ liệu đến và đi): Giới hạn số lượng dữ liệu có thể truyền tải, tương tự như dung lượng các gói dữ liệu di động.
- Số lượng email và các tài khoản ftp, subdomain, database,…
Cloud Hosting và Cloud Server khác nhau như thế nào?
Các khái niệm Cloud Hosting và Cloud Server thật sự có thể khiến nhiều người phải đau đầu vì sự phân biệt mơ hồ, khiến chúng thường được xem là một. Cả hai dịch vụ này đều hoạt động dựa trên công nghệ điện toán đám mây, vận hành thông qua kết nối Internet, vậy có điểm khác biệt nào không?
Có thể so sánh Cloud Server và Cloud Hosting giống như một tòa nhà mới xây với một khách sạn. Tòa nhà xây mới có đầy đủ cấu trúc phòng, đường điện nước, các thiết bị cơ bản nhưng công năng của nó sẽ phụ thuộc vào mục đích của người mua và những thứ họ thêm vào: Làm nhà ở, văn phòng, khách sạn… Trong khi đó, khách sạn đã được trang trí và trang bị các vật dụng cụ thể nhằm mục đích cụ thể là cung cấp không gian nghỉ cho khách hàng.
Tương tự, Cloud Server giống như một chiếc máy tính có thể cung cấp khả năng xử lý nhưng chưa cài đặt gì, khách hàng có thể sử dụng cho mục đích tính toán khoa học, vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp,… tùy vào những công cụ sẽ được triển khai trên đó. Mặt khác, Cloud Hosting đã được thêm vào các phần mềm, công cụ và nền tảng hệ điều hành để phục vụ một mục đích duy nhất là vận hành các website và ứng dụng web để tất cả mọi người đều có thể truy cập.
Một điểm khác biệt nữa là Cloud Hosting có thể được vận hành bởi cụm nhiều máy chủ Cloud Server cùng lúc chứ không chỉ là một máy chủ đơn lẻ.
Hi vọng qua bài viết này các bạn đã có được những thông tin hữu ích về Cloud Windows và những đặc điểm của nó. Dù có mức giá cao, Cloud Windows vẫn đem đến sự tin cậy cùng những tính năng độc quyền đáng để cân nhắc khi xây dựng website. Hãy tiếp tục theo dõi Bizfly Cloud để cập nhật những thông tin mới nhất về công nghệ điện toán đám mây cùng chúng tôi.