Scam là gì? Cảnh giác đừng để mình sa bẫy scam

984
20-08-2020
Scam là gì? Cảnh giác đừng để mình sa bẫy scam

Scam là một từ lóng tiếng Anh, nghĩa là lừa đảo. Scam trong bài viết này Bizfly Cloud sẽ đề cập về những kẻ lừa đảo trên mạng Internet. Chúng sử dụng nhiều chiêu thức để giăng bẫy người dùng nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và tiền bạc.

Các hình thức scam phổ biến mà bạn dễ dàng gặp phải

Sự nở rộ của các hình thức kinh doanh, giải trí và ứng dụng công việc online, đang tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo lợi dụng để gài bẫy người dùng, từ đó chiếm đoạt thông tin và tài sản quan trọng. Dưới đây là một số loại hình scam phổ biến đang được sử dụng mà bạn cần biết để phòng tránh.

Scam qua email

Lừa đảo qua email khá phổ biến trên thế giới và ngay tại Việt Nam cũng được tin tặc "ưu ái dùng" nhờ tính dễ dàng áp dụng và khả năng tác động trên những tập người dùng mạng quy mô lớn.

Thông thường, bạn sẽ nhận được một email giả mạo các đơn vị uy tín như Ngân hàng có nội dung như: "Ngân hàng cần xác thực thông tin khách hàng, vui lòng click vào đường link đăng nhập…" Tin tặc tạo ra các tài khoản email giống như email của các ngân hàng như noreply@paypal.com, noreply@tpbank.com… Sau khi bạn truy cập và đăng nhập tài khoản theo đường link chúng gửi, chúng sẽ lấy được ID và mật khẩu tài khoản.

Scam là gì? Cảnh giác đừng để mình sa bẫy scam - Ảnh 1.

Scam qua hình thức đấu giá

Hình thức này thường thấy trên các trang đấu giá online như ebay. Thủ thuật được kẻ lừa đảo sử dụng là tạo ra một cuộc đấu giá mua sản phẩm có giá trị, sau đó thu tiền cọc của người tham gia đấu giá và biến mất. Người mua vừa mất tiền và cũng vừa không nhận được hàng. Mà kẻ lừa đảo thì lặn mất tăm, không có dấu vết để truy tìm.

Scam quyên góp

Dạng lừa đảo này dạo gần đây xuất hiện nhiều và biến tướng theo nhiều hình thức. Cách làm chung những kẻ lừa đảo thực hiện là đăng lên mạng xã hội một câu chuyện cùng các hình ảnh chụp thương tâm kể rằng: mình bị ăn cắp không có tiền về nước, con/chồng vợ/bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa chạy và mong nhận được hỗ trợ tài chính. 

Những nhà hảo tâm online sẽ nhanh chóng mủi lòng và chuyển tiền cho họ, dù số tiền rất nhỏ. Nhưng với quy mô hàng triệu người dùng mạng xã hội Việt thì chỉ cần là 1000 người mắc lừa cũng giúp kẻ lừa đảo thu về khoản lợi lớn.

Scam bằng các website mạo danh

Kẻ lừa đảo tạo ra các website có giao diện giống hệt với website thật. Chúng sẽ tối ưu SEO để tăng thứ tự hiển thị lên Top 1 trên trang tìm kiếm. Sau đó, khi người dùng tìm vào trang sẽ đăng nhập tài khoản, từ đó, chúng sẽ thu thập được thông tin người dùng.

Scam là gì? Cảnh giác đừng để mình sa bẫy scam - Ảnh 2.

Phi vụ lừa đảo này từng được ghi nhận cho người dùng Netflix. Các scammer (kẻ lừa đảo) thiết kế website giả mạo trang xem phim trực tuyến này. Khi khách truy cập và đăng nhập tài khoản trên web giả, chúng sẽ lưu thông tin của khách và đưa ra thông báo "Đăng nhập thất bại" và truy cập đến trang Netflix chính thức. Tại trang chính, khách hàng sẽ thực hiện đăng nhập lại và không có chút nghi ngờ. Kẻ lừa đảo sẽ thu thập được ID và thông tin tài khoản thanh toán ngân hàng của khách hàng nhằm trục lợi.

Scam bằng quà tặng/khuyến mãi

Các Scammer ngày càng tinh vi và có nhiều thủ thuật mới. Với hình thức này, chúng đánh vào tâm lý ham giá rẻ, hàng khuyến mãi của người dùng. Chúng liên hệ với người dùng và thông báo họ may mắn nhận được món quà của thương hiệu A (một thương hiệu lớn và uy tín). Tuy nhiên, khách hàng chỉ nhận được phiếu giảm giá 50% hoặc trị giá 5tr - 10tr…, để nhận khách hàng phải gửi trước một phần tiền. Những người cả tin sẽ nhanh chóng gửi tiền cho họ và cuối cùng thì chẳng có gì được gửi đến hoặc món quà gửi đến có giá trị thấp so với số tiền đã mất.

Cần phòng chống scam như thế nào?

Trên môi trường mạng không biên giới, các hình thức lừa đảo online rất đa dạng và phức tạp. Các cơ quan an ninh hiện tại chỉ có thể kiểm soát được phần nhỏ, còn lại vẫn phải phụ thuộc vào tinh thần cảnh giác của người dùng. Mọi người cần trang bị cho mình những kiến thức sau để phòng chống scam:

- Khi thực hiện giao dịch online, cần có bên thứ 3 uy tín làm trung gian

- Khi tiến hành giao dịch yêu cầu đối tác cung cấp các thông tin xác thực, quan trọng

- Kiểm tra kỹ mọi thông tin, đường link trước khi đăng nhập vào một website nào đó.

- Các doanh nghiệp kinh doanh muốn hạn chế bị giả mạo cần đăng ký bản quyền sản phẩm và thông tin liên quan đến sản phẩm với cơ quan chức năng

- Chỉ nên mua hàng ở những trang web uy tín, có đánh giá tốt

- Sử dụng phần mềm bảo vật và ví điện tử từ những nhà cung cấp dịch vụ uy tín

Các cách trên không thể đảm bảo bảo vệ tuyệt đối cho bạn khỏi các cuộc lừa đảo trên mạng. Phần lớn vẫn cần đến sự hiểu biết và cảnh giác của người dùng.

Theo Bizfly Cloud chia sẻ

>> Có thể bạn quan tâm: 3 cách doanh nghiệp nhỏ có thể bảo vệ chống lại các cuộc tấn công lừa đảo (Phishing attacks)

SHARE