Sau đại dịch, làm việc tại những công ty công nghệ thay đổi như thế nào?

1996
18-09-2021
Sau đại dịch, làm việc tại những công ty công nghệ thay đổi như thế nào?

Nếu bật tin tức lên hoặc trong một cuộc họp, bạn sẽ luôn nghe người ta nhắc đến cụm từ: “Hãy quay trở lại như bình thường”. Nếu là một con gấu bắc cực ngủ đông, bạn sẽ phải hồi phục, khởi động lại, chui ra khỏi “hang”, vươn vai và đi tìm kiếm những món đồ thiết yếu.

Tác động của lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội đến các công ty sẽ khác nhau tùy thuộc vào đặc thù công việc. Đối với những người làm việc chủ yếu trên máy tính, đánh máy ở nhà hay đánh máy ở công ty chẳng có khác biệt gì quá to lớn, đặc biệt là lương và phúc lợi vẫn như cũ. Đối với những người bị mất việc làm và không đủ tiền thuê nhà thì vấn đề  hoàn toàn khác.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phân chia theo rất nhiều ranh giới: Nhiều người muốn quay trở lại như ngày xưa càng nhanh càng tốt và cũng có những người lại chẳng mong vậy. Những người phản đối lệnh phong tỏa/ giãn cách và những người ủng hộ nó. Những người đang phát triển mạnh trong môi trường này và những người đang gặp khó khăn. Các công ty như Deliveroo, Uber và Amazon là hiện thân của sự phân chia này: phần lớn lực lượng lao động của họ là những lập trình viên được trả lương cao cùng chế độ phúc lợi ngay cả khi làm việc tại nhà. Những người còn lại là những người chưa được coi là nhân viên chính thức, những người không được hưởng phúc lợi, những người được trả lương theo giờ và buộc phải tự đặt mình vào tình thế rủi ro khi làm việc ở tuyến đầu của đại dịch. Những người bị trả lương thấp vì họ “không có tay nghề” buộc phải tiếp tục làm việc.

Trong khi đó, nhiều người muốn quay trở lại văn phòng càng sớm càng tốt. Nhưng không phải ai cũng muốn điều này. Sau cuộc họp gần đây, một đồng nghiệp nhắn tin cho tôi: “Thực ra, tôi thích ở với gia đình mình hơn và không phải đi làm. Nếu cuộc sống như hiện tại tiếp tục thì tôi sẽ rất vui.”

Dù bây giờ người ta hối hả truyền tai nhau mau chóng trở về trạng thái ban đầu nhưng rất nhiều công ty có những kế hoạch khác. Google và Facebook đã nói với nhân viên rằng họ sẽ làm việc tại nhà cho đến hết năm và Twitter cho biết khá nhiều nhân viên của họ hiện có thể làm việc tại nhà vĩnh viễn nếu họ muốn. Theo một cuộc khảo sát với 300 nhà lãnh đạo, 62% doanh nghiệp Mỹ có kế hoạch tiếp tục cho mọi người làm việc ở nhà ngay cả khi bệnh dịch đã an toàn. 

Hey Siri, mở rèm!

Những người quay trở lại văn phòng làm việc sẽ phải chứng kiến một loạt các thay đổi. Kiểm tra nhiệt độ, nơi rửa tay, khẩu trang, găng tay, tấm ngăn bàn làm việc, vệ sinh nhiều hơn và giữ khoảng cách. Sẽ có khoảng cách giữa các bàn làm việc, trong căng tin, giữa những người đang xếp hàng, tất cả đều phải thực hiện giãn cách xã hội. Một nhà hàng ở Virginia thậm chí còn có kế hoạch lấp đầy những khoảng trống bằng ma-nơ-canh. Sự bình thường khi chúng ta trở lại sẽ rườm rà hơn so với sự bình thường chúng ta đã từng có.

Đối với các công ty sản xuất chất tẩy rửa và kính chắn, cảm giác đó giống như lễ Giáng sinh. Nhưng ngay cả những người lao động làm việc trong các ngành thiết yếu này cũng đang gặp khó khăn, họ phải nghiên cứu những lĩnh vực bên ngoài lĩnh vực của mình. Tracy D. Wymer - nhân viên công ty thiết kế văn phòng, Knoll, cho biết: “Chúng tôi không phải là những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, chúng tôi chỉ đơn giản là những người thiết kế nội thất ”.

Các công ty khác đang tính thay đổi văn phòng theo hướng đầy tham vọng hơn. KTS từng thiết kế trụ sở Apple Arjun Kaicker đã mô tả thực tế tương lai: “Các thang máy có thể được điều khiển từ điện thoại thông minh […] rèm, ánh sáng, hệ thống thông gió và thậm chí gọi một ly cà phê cũng sẽ được điều khiển từ chiếc điện thoại của bạn.” 

Tất cả những điều này khiến tôi rùng mình. Tôi dành cả ngày để viết phần mềm. Có lẽ vì vậy, tôi thấy tương lai này là một ngàn nỗi thất vọng: Một phiên bản iOS mới làm hỏng máy pha cà phê, một ứng dụng máy điều hòa không khí hoạt động không bình thường trên Android 7, người dùng quên mật khẩu và họ không thể bật đèn, một người kiên quyết sử dụng Ubuntu Touch sẽ không thể sử dụng hệ thống kiểm soát ra vào cửa và bị mắc kẹt bên ngoài. Cần phải có một bên thứ ba mới có thể mở rèm. Bạn đang dùng trình duyệt nào? Rất tiếc, cái này không hoạt động trên nền tảng Safari, bạn đã thử mở rèm trong Chrome chưa? Bạn muốn tăng nhiệt độ? Hãy làm trống bộ nhớ cache của bạn và bật và tắt điện thoại của bạn một lần nữa. Tôi đã nghe thấy ai đó nói: “Này Siri, hãy mở cửa” và câu trả lời không thể tránh khỏi là: “Đây là những gì tôi tìm thấy trên web về Ecuador.”

Những nơi công nghệ thấp cũng phải bị thay đổi. Cửa sổ phải được mở để thông gió và văn phòng không gian mở chắc chắn sẽ không còn tồn tại. Trong ngành công nghiệp công nghệ, một số hoạt động cộng đồng không cần thiết có thể biến mất. (Chắc chắn không phải là bàn chơi bóng đá!) Và đồng. Đồng kháng khuẩn sẽ là biểu tượng trực quan chứng tỏ công ty đang thực hiện nghiêm túc việc ngăn chặn vi rút: Hãy xem, chúng tôi đã thực hiện tốt công tác phòng dịch rồi nhé. Hãy cứ an tâm mà làm việc cùng chúng tôi.

Và vì vậy chúng ta bước vào kỷ nguyên của “rạp chiếu phim vệ sinh”. Một nhân viên khác của Knoll nói: “Các công ty buộc chúng tôi phải giải quyết tận gốc nỗi sợ hãi” và mục tiêu “thay đổi từ thiết kế văn phòng không có virus thành cải tạo chúng để người lao động cảm thấy an toàn hơn”. Nhận thức quan trọng hơn thực tế.

New York Times còn cho biết: “Một trong những cách tốt nhất để giảm sự lây truyền tại nơi làm việc là đáp ứng các chế độ nghỉ ốm có lương để khuyến khích nhân viên bị ốm ở nhà. Các công ty cũng có thể “thiết kế lại thời gian của họ, việc giảm giờ làm, không cắt giảm lương, có thể giúp nhiều công ty tăng tốc độ trở lại bình thường.” Đó là một ý tưởng hay, nhưng tôi không nghĩ các cổ đông có thể làm được.

Không gian ở New York, San Francisco và London rất tốn kém. Nếu mọi người tự lắp ráp văn phòng của họ tại nhà thì chi phí sẽ rẻ hơn nhiều. Và khi nói đến làm việc từ xa, Susan Stick của Evernote nói: “Bạn không thể cứu vãn tình hình trở về như trước”. Với một số người, như đồng nghiệp cũ của tôi, đây có thể là một điều may mắn. Các công ty có thể coi làm việc từ xa như một phúc lợi của nhân viên. Và khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, tiết kiệm chi phí có thể là một trong những việc hàng đầu họ phải đối phó với suy thoái.

Do đó, sự phân chia tiếp tục xảy ra: giữa những công ty "đã bắt đầu trợ cấp chi phí băng thông rộng" và những công ty “làm việc từ xa đã đủ là một phúc lợi”. Ngay cả những người áp dụng phương pháp làm việc từ xa cũng thấy mình phải thêm quyền hạn, Google nói với nhân viên của mình: Bạn không thể nhận phúc lợi bữa trưa hoặc tư cách thành viên phòng gym. Không có quy tắc làm việc tại nhà nhất quán, vì vậy “nó phụ thuộc vào cá nhân tổ chức đó” và một số công ty sẽ ủng hộ làm việc từ xa hơn những công ty khác. Đôi khi điều này thậm chí còn phụ thuộc vào sở thích cá nhân của CEO. Khi Marissa Mayer tiếp quản Yahoo, một trong những hành động đầu tiên của bà là cấm làm việc từ xa, và hầu như chỉ trong một đêm, IBM từ tuyên bố “trong tương lai, nhân viên có quyền làm việc từ xa” chuyển thành “yêu cầu hàng nghìn nhân viên quay lại văn phòng”. 

Với chế độ làm việc từ xa, một loạt các thay đổi ngắn hạn đã xảy ra. Herman Miller có số lượng đơn đặt hàng tăng gấp ba và dịch vụ thiết kế nội thất Decorist đã chứng kiến lượt đăng ký tăng 45%. HP đang tăng doanh số của mực máy in. Và việc sử dụng Zoom đã tăng vọt. Chúng tôi đã quen với việc nhìn thấy vật nuôi và vợ/ chồng phía sau đồng nghiệp của mình. Một nghi thức mới đã xuất hiện: Sự chuyên nghiệp được đánh giá không phải bằng những bộ quần áo, mà bởi góc độ và khung hình của webcam.

Một vài tháng trước, chúng tôi đã bị đột ngột bước vào đợt kiểm tra diện rộng về làm việc từ xa. Một số lo lắng đã không xảy ra và hầu hết mọi thứ đã ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi đã phải đối mặt với một loạt những khó chịu mới. Các cuộc họp bắt đầu bằng một câu câu cửa miệng: “Xin chào Gary. Gary? Bạn có nghe thấy chúng tôi không? Gary, tôi nghĩ bạn đang tắt tiếng. Ồ, anh ấy bỏ đi rồi. Anh ấy có thể sẽ quay lại sau một ít phút nữa. "

Tiếp theo là gì?

Chúng ta sẽ thấy nhiều người làm việc từ xa, làm việc linh hoạt hơn và nhiều công ty nhỏ ngừng kinh doanh. Nhưng như nhiều nhà phê bình nói, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Sẽ có một làn sóng nhiễm trùng thứ hai? 8 tháng nữa mới có vắc xin? Hay là hai năm nữa? Liệu mọi thứ có trở lại như cũ không? Chúng ta không biết. Chúng ta không bao giờ biết tương lai sẽ xảy ra điều gì. Thời gian trôi đi không ngừng và không thể đoán trước, nó liên tục thay đổi những thứ bình thường. Coronavirus đã khiến chúng ta phải lùi bước và rùng mình, nhưng nó là một trong những thứ có thể (và sẽ) làm đảo lộn cuộc sống bình thường: kháng thuốc kháng sinh, biến đổi khí hậu, mất mùa, động đất, bão, suy thoái.

Trong những thời điểm này, thật dễ quên rằng lịch sử vẫn tiếp diễn. Chúng ta thích nghi, chúng ta tạo ra một bình thường mới và tiếp tục. Có kẻ thắng người thua; có người muốn trở lại cuộc sống trước đây và hận về cho mình sự tuyệt vọng, có người hy vọng rằng chúng ta có thể làm lại cuộc đời mới. Clive Thompson viết trong Smarter Than you Think: “Công nghệ mới thúc đẩy chúng ta hướng tới những hình thức hành vi mới, đồng thời thúc đẩy chúng ta rời xa những hành vi cũ và quen thuộc. Hiện tại, chúng ta nhận ra rằng virus cũng có thể làm như vậy.”


SHARE