Những cơ hội nghề nghiệp mới mẻ hấp dẫn nào dành cho ITer trong thập niên mới?
Chỉ không lâu trước đây, phần lớn các coder, programmer, developer hay một số chuyên viên ITer khác vẫn chưa có nhiều "đất" để phô diễn các kỹ năng tuyệt kỹ của mình ngoài những công ty công nghệ tiếng tăm lâu đời và các startup công nghệ mới nổi. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua: Ngày nay, nhu cầu về các chuyên viên lập trình và coding có kinh nghiệm xuất hiện trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của con người, ngay cả khi những lĩnh vực này dường như không liên quan gì đến công nghệ, Internet hay những đột phá khoa học mới nhất.
Đây một phần là kết quả của cuộc cách mạng di động – khi việc truy cập liên tục Internet, ứng dụng và mạng trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng suy cho cùng kết quả này cũng là tất yếu khi mà công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong sự phát triển nhân loại - vì các thiết bị thông minh ngày càng rẻ hơn, việc điều chỉnh chúng để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp mới nổi và non trẻ là điều tất yếu. Vì vậy, nếu bạn đang là một lập trình viên, những công việc và lĩnh vực nào ngày nay bạn có thể thử sức? Hãy cùng Bizfly Cloud tìm hiểu chi tiết thông tin ngay qua một vài gợi ý sau.
1. Tài chính
Do đặc thù riêng, ngành tài chính đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan đến an ninh, bảo mật và khả năng phục hồi của các hệ thống mà ngành sử dụng. Đó là lý do tại sao lĩnh vực này không đặc biệt háo hức đầu tư vào các công nghệ đám mây ở giai đoạn đầu phát triển - tài chính đòi hỏi các tiêu chuẩn bảo mật và khả năng phục hồi rất cao trước khi áp dụng một giải pháp mới. Tuy nhiên, lĩnh vực FinTech đang thay đổi. Các tổ chức tài chính đang tăng nhanh tốc độ mà họ đầu tư vào công nghệ và phân tích đám mây, điều đó có nghĩa là nhu cầu về lập trình viên sẽ ngày càng lớn hơn.
2. Y tế sức khỏe
Chăm sóc sức khỏe, y tế luôn là một ngành có mức độ cẩn trọng rất cao, lĩnh vực này thường sẽ không thông qua và áp dụng các công nghệ mới cho đến khi chúng được kiểm tra kỹ lưỡng. Đây là một điều hiển nhiên, bởi tính mạng, sự sống của nhiều người phụ thuộc trực tiếp vào việc hệ thống chăm sóc sức khỏe hoạt động tốt như thế nào. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ thông tin cuối cùng đã đến.
Ngày nay, chúng ta cần đến các lập trình viên để phát triển các phần mềm, ứng dụng y tế hướng đến cả người dùng và chuyên gia chăm sóc sức khỏe, hệ thống đám mây để lưu trữ và xử lý dữ liệu, giải pháp phân tích và nhiều loại sản phẩm phần mềm khác. Khi tỷ lệ chấp nhận tăng lên, chúng ta có thể thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp mà chúng ta thậm chí chưa thể hình dung được ngay tại thời điểm này.
Lĩnh vực cũng đặc biệt chú ý đến góc độ an ninh: các tổ chức chăm sóc sức khỏe phải xử lý các thông tin rất nhạy cảm và quan trọng, từ danh sách bệnh nhân cho đến lịch sử bệnh án của bệnh nhân tâm thần. Cơ hội dành cho các lập trình viên và chuyên gia bảo mật CNTT sẽ đặc biệt phong phú trong lĩnh vực này.
3. Nông nghiệp
Có lẽ nông nghiệp không phải là ngành công nghiệp đầu tiên liên kết với các giải pháp AI tinh vi và tiên tiến, tuy nhiên chúng ta đã đạt đến giai đoạn mà các phương tiện thúc đẩy năng suất truyền thống không còn tạo ra những cải tiến đáng chú ý.
Cách duy nhất để ngành nông nghiệp đáp ứng nhu cầu khi dân số thế giới đang gia tăng như hiện nay là áp dụng những phương thức hoàn toàn mới cho các công việc hiện tại. Giờ đây, rất nhiều doanh nghiệp làm việc trong ngành này đang tìm đến CNTT cho các nhu cầu đặc thù của họ.
Các lập trình viên phát triển các công cụ machine learning và ứng dụng AI trong việc tính toán nhằm tối đa hóa năng suất cây trồng và hiệu quả sử dụng đồng ruộng, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng hóa chất độc hại và các yếu tố tiêu cực khác. Hình ảnh vệ tinh, công cụ phân tích, công nghệ máy tính và các giải pháp khác được sử dụng để dự đoán thời tiết và xác định thời kỳ trồng và phát triển tốt nhất - nói theo một cách khác, là để nhằm mục tiêu loại bỏ hoàn toàn tính khó dự đoán khi làm nông nghiệp.
4. Thiết kế
Đây có thể là một phát hiện khá bất ngờ, thế nhưng danh sách các công việc thiết kế yêu cầu kiến thức lập trình như một phần kỹ năng đang ngày càng nhiều lên. Công việc thường không đòi hỏi kiến thức sâu rộng và chuyên môn về ngôn ngữ lập trình, nhưng một số mức độ thành thạo nhất định trong lĩnh vực này sẽ giúp nhà thiết kế làm việc hiệu quả hơn với các vật liệu kỹ thuật số và hiểu rõ hơn các công cụ họ sử dụng trong công việc. Hầu hết các vị trí như vậy không yêu cầu bằng cấp công nghệ chính quy, nhưng một vài kỹ năng lập trình dạng tự học chắc chắn sẽ rất có ích và ngày càng được chào đón nhiều hơn trong lĩnh vực này những năm tới.
5. Bán lẻ
Khoảng 20 năm trước, tìm kiếm việc làm nghề lập trình trong ngành bán lẻ dường như là không khả thi. Nhưng ngày nay, với thực tế là bán lẻ truyền thống đang dần bị đẩy lùi trên mọi mặt trận bởi các công ty như Amazon – những công ty đang cố gắng định hình một thị trường mới và thay đổi bản chất kinh doanh để tạo ra một mô hình thị trường có lợi cho họ.
Họ thường áp dụng các công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, sáng tạo giao diện người dùng ấn tượng, cố gắng tích hợp ngày càng nhiều các tính năng di động vào hoạt động bên trong cũng như rất nhiều những phát triển khác - và các chuyên gia lập trình hàng đầu chính là nguồn lực chủ chốt để thực hiện phần lớn những công việc này.
6. Tiện ích nhà bếp và nhà thông minh smarthome
Với sự phát triển nhanh chóng của nhà thông minh và Internet of things, không gian nhà bếp có thể sẽ là điểm bắt đầu trong cuộc cách mạng hóa lối sống của chúng ta.
Những tính năng thông minh như hẹn giờ, tự động cài đặt, điều khiển từ xa… trên các thiết bị như cửa, tủ lạnh, đèn, tivi, hệ thống tưới nước, làm vườn mới chỉ là khởi đầu. Các thiết bị nấu ăn tự động đang và sẽ thay đổi lớn lao ý nghĩa của các khái niệm tiện nghi và tiện lợi trong các công việc nội trợ truyền thống. Tất cả đều cần phần mềm được mã hóa cẩn thận để quản lý các hoạt động nấu phức tạp.
7. Marketing
Tất cả những gì người ta có thể hình dung về Marketing trước kia bao gồm quảng cáo sáng tạo, sáng tác những khẩu hiệu hấp dẫn, định vị và xây dựng chiến lược đúng đắn cho các sản phẩm và dịch vụ. Tất cả những điều này vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng không thể thay thế, nhưng rõ ràng là chúng ta có thể nhận thấy những thay đổi mạnh mẽ đang ngầm diễn ra.
Ngày nay, các nhà tuyển dụng ngày càng tìm kiếm thường xuyên hơn các marketer có kỹ năng lập trình. Mặc dù nhu cầu về các copywriter viết quảng cáo sáng tạo vẫn còn rất nhiều, nhưng marketing hiện nay cũng sử dụng các công nghệ như điện toán đám mây, công cụ phân tích, Machine learning và ứng dụng AI để xác định các quy luật, đặc điểm trong hành vi của khách hàng và đối thủ cạnh tranh để có tầm nhìn rõ ràng về chiến dịch marketing tiếp theo. Đặc biệt, những người làm nghiên cứu sản phẩm sẽ cần phải kết hợp các kỹ năng marketing và IT trong quá trình tạo ra các sản phẩm mới và chuẩn bị tung ra thị trường.
Lập trình cũng như các kỹ năng CNTT khác giờ đây không còn chỉ gói gọn trong phạm vi các công ty hay start up công nghệ - thực tế, ngày nay khó tìm thấy một ngành công nghiệp nào không ứng dụng công nghệ để đạt được những kỳ vọng lớn lao đặt ra và nhu cầu về các lập trình viên cũng theo đó mà rộng mở. Và đó là lý do tại sao việc làm dành cho lập trình viên giờ đây có thể được tìm thấy ở mọi nơi.
Theo CIOs