8 mẹo hữu hiệu giúp bảo mật dữ liệu đám mây cho doanh nghiệp
Đã qua rồi cái thời mà chúng ta phải mang theo bên mình những ổ đĩa cứng di động hoặc những chiếc USB nhỏ gọn chỉ bằng ngón tay cái mọi lúc mọi nơi vì sự xuất hiện của các dịch vụ lưu trữ đám mây bùng nổ ngày nay. Từ Google Drive đến Dropbox, các giải pháp đám mây này lưu trữ dữ liệu của bạn trực tuyến và cung cấp một giải pháp vô cùng dễ dàng để truy cập chúng ở bất kỳ lúc nào tại bất cứ đâu miễn là thiết bị có kết nối Internet.
Sự tiện lợi của đám mây đem lại khá hấp dẫn, tuy nhiên việc tải dữ liệu cá nhân của bạn lên một nhà cung cấp đám mây chắc chắn sẽ gây ra một số lo ngại về bảo mật, bạn không bao giờ có thể chắc chắn về việc liệu có những người khác nữa cũng có thể truy cập những thông tin nhạy cảm này của mình hay không. Dưới đây Bizfly Cloud sẽ chia sẻ một số mẹo thực tế để giữ an toàn cho dữ liệu đám mây của bạn.
1. Sao lưu dữ liệu cục bộ
Quy tắc số 1 khi nói đến việc quản lý dữ liệu là bạn phải đảm bảo luôn có một bản sao lưu cho dữ liệu của mình. Tốt nhất là nên tạo bản sao điện tử cho bất kỳ dữ liệu nào phòng trường hợp hi hữu rủi ro khi bản gốc bị mất hoặc bị hỏng. Hiện nay có khá nhiều công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây trên thị trường, do đó bạn hoàn toàn có thể thiết lập một số tài khoản đám mây cho mục đích sao lưu này cho dữ liệu của mình.
Nếu có lưu trữ dữ liệu trên đám mây, bạn nên chủ động sao lưu thủ công dữ liệu của mình vào các ổ đĩa hoặc thiết bị vật lý bên ngoài. Điều này cũng rất có ích, nó cho phép bạn truy cập thông tin ngay cả khi kết nối Internet gặp vấn đề.
2. Tránh lưu trữ thông tin nhạy cảm
Chỉ nên lưu trữ những tệp thường xuyên truy cập, tránh tiết lộ tài liệu có chứa mật khẩu như thông tin về các tài khoản trực tuyến khác nhau, thông tin nhận dạng cá nhân (personally identifiable information, viết tắt PII) như số thẻ tín dụng, số nhận dạng quốc gia, địa chỉ nhà,... Nếu vẫn phải bao gồm những thông tin này trong các tệp của mình, hãy đảm bảo mã hóa chúng trước khi được tải lên.
3. Sử dụng các dịch vụ đám mây mã hóa dữ liệu
Một trong những cách dễ nhất để bảo vệ quyền riêng tư khi sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây là tìm kiếm một dịch vụ cung cấp mã hóa cục bộ (local encryption) cho dữ liệu của bạn. Điều này cung cấp thêm một lớp bảo mật bổ sung, bởi vì việc giải mã sẽ được yêu cầu trước khi bạn có thể được cấp quyền truy cập vào dữ liệu. Phương pháp này thậm chí sẽ bảo vệ dữ liệu của bạn trước chính các nhà cung cấp dịch vụ và quản trị viên.
Mặc dù việc giữ dữ liệu được mã hóa trong đám mây là khá an toàn, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu dịch vụ đám mây cũng đảm bảo mã hóa trong các giai đoạn tải lên và tải xuống. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng Tiêu chuẩn mã hóa nâng cao cấp quân sự (military-grade Advanced Encryption Standard, viết tắt AES) (256 bit). Với bước bổ sung mã hóa và giải mã dữ liệu, việc đồng bộ hóa các tệp với ổ đĩa đám mây sẽ mất một chút thời gian. Nhưng đây là việc cần thiết nên chấp nhận vì nó đảm bảo bảo mật tối đa cho dữ liệu của chính bạn.
4. Mã hóa dữ liệu trước khi đưa nó lên đám mây
Nếu bạn chọn không sử dụng dịch vụ đám mây giúp bạn mã hóa dữ liệu tự động, thì bạn có thể sử dụng công cụ của bên thứ ba để thực hiện việc mã hóa này. Tất cả những gì bạn phải làm là tải xuống một ứng dụng bảo vệ đám mây cho phép bạn áp dụng mật khẩu và tạo các chuỗi khóa bí mật cho các tệp của mình trước khi bạn thực sự tải chúng lên đám mây.
5. Đọc thông tin điều khoản của nhà cung cấp dịch vụ đám mây
Bên cạnh việc lưu trữ dữ liệu, một số dịch vụ đám mây cho phép bạn chia sẻ ảnh và tệp của mình với người khác. Điều này chắc chắn nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng đôi khi các dịch vụ này đi kèm với các điều khoản nhất định. Chẳng hạn, vào năm 2011, Twitpic đã viết trong ĐKDV của họ rằng, khi bạn chia sẻ hình ảnh trên dịch vụ của họ, họ sẽ có quyền sử dụng hoặc phân phối hình ảnh. Sau đó, họ đã đính chính và xin lỗi, nhưng không quên làm rõ thêm rằng: họ vẫn có thể phân phối dữ liệu bảo mật trên đám mây trên Twitpic và các đối tác liên kết, cho dù bản quyền cuối cùng vẫn thuộc về chủ sở hữu của các bức ảnh.
Mặc dù không chính xác là một dịch vụ lưu trữ đám mây chuyên dụng, nhưng qua trường hợp của Twitpic, bạn cần đặc biệt chú ý đến những quy định liên quan đến chính sách bảo mật và quyền riêng tư. Hãy tìm hiểu xem có bất kỳ đánh giá hoặc cảnh báo xấu nào mà bạn nên cảnh giác không trước khi sử dụng các dịch vụ đám mây của họ.
6. Sử dụng mật khẩu mạnh / Áp dụng xác minh hai bước
Là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các tin tặc độc hại ngoài kia, bạn nên chắc chắn rằng mật khẩu của bạn có thể chống lại hacker và bẻ khóa. Có rất nhiều lời khuyên trên Internet về đặc điểm cho một mật khẩu mạnh, bạn đừng quên tham khảo và áp dụng chúng. Ngoài việc sử dụng một mật khẩu mạnh và duy nhất, hãy đảm bảo thay đổi mật khẩu thường xuyên và không lặp lại mật khẩu trên tất cả các tài khoản trực tuyến khác mà bạn có.
Ngoài ra, bạn có thể xác minh hai bước cho đăng nhập của mình nếu dịch vụ đám mây của bạn có tùy chọn này. Trong trường hợp đối với Google Drive, trước tiên người dùng phải đăng nhập vào tài khoản Google của họ để sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây. Xác minh hai bước có thể được bật cho các tài khoản Google - mã xác minh được gửi tới điện thoại di động, mang lại sự bảo mật được bổ sung cần thiết ngoài mật khẩu để có thể truy cập dữ liệu đám mây an toàn.
7. Hãy cảnh giác với hành vi trực tuyến của bạn
Đôi khi, tính bảo mật của dữ liệu đám mây phụ thuộc vào những gì bạn thực hiện trực tuyến, đặc biệt là trên các máy tính hoặc kết nối công cộng. Khi sử dụng máy tính công cộng, bạn hãy chọn không lưu mật khẩu và đảm bảo rằng bạn đã đăng xuất khỏi tài khoản của mình sau khi hoàn tất? Lưu mật khẩu và để chế độ sẵn sàng đăng nhập lần sau sẽ khiến bạn có nguy cơ bị người lạ truy cập dữ liệu.
Bạn có xu hướng kết nối các điểm truy cập Wi-Fi mở và không bảo mật ở những nơi công cộng để đăng nhập vào tài khoản đám mây của mình không? Các kết nối như vậy thường không được mã hóa, điều đó có nghĩa là bất cứ điều gì bạn làm trong khi kết nối đều có thể bị đánh cắp bởi một tin tặc trên cùng một mạng, bao gồm thông tin đăng nhập của tài khoản đám mây!
8. Bảo vệ hệ thống của bạn với Anti-Virus & Anti-Spy
Bạn đang sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ đám mây an và đáng tin cậy, nhưng đôi khi liên kết yếu nhất xảy ra chính là hệ thống máy tính mà bạn đang đăng nhập. Nếu không có sự bảo vệ thích hợp cho hệ thống, bạn sẽ tiếp xúc với các lỗi và vi rút cung cấp các điểm xâm nhập để tin tặc truy cập vào tài khoản của bạn.
Ví dụ như sự hiện diện của Trojan Keylogger cố gắng theo dõi tất cả các tổ hợp phím của bạn. Bằng cách nhúng phần mềm độc hại này vào các tệp có vẻ hợp pháp, tin tặc sẽ có thể lấy được ID người dùng và mật khẩu của bạn nếu hệ thống của bạn không được bảo vệ đủ tốt để phát hiện ra nó và nếu đăng nhập không được bảo mật và mã hóa.
Theo Bizfly Cloud chia sẻ
>> Có thể bạn quan tâm: 8 rủi ro bảo mật điện toán đám mây đa số các công ty phải đối mặt