12+ tác hại của trí tuệ nhân tạo đối với con người
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những đột phá của kỷ nguyên mới, là một công cụ tuyệt vời để phát triển hiện nay. Tuy nhiên nếu chúng ta không sử dụng nó đúng cách sẽ gây ra những thảm họa không thể lường trước đối với con người. Hãy cùng Bizfly Cloud điểm mặt những tác hại của trí tuệ nhân tạo đối với con người qua bài viết sau!
Chi phí cao
Rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận được những lợi ích to lớn mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho cuộc sống ngày nay, nhưng cách để tạo ra trí thông minh sẽ đòi hỏi nhiều yếu tố và một yếu tố cần chú trọng đầu tiên đó chính là khoản chi phí đầu tư.
Chi phí đầu tư cho việc tạo ra trí tuệ nhân tạo sẽ đến từ các chi phí phải chi trả cho nhân sự, mua máy móc và các thiết bị hỗ trợ,... Ngoài ra, chi phí bảo dưỡng hoặc sửa chữa các máy móc cũng rất đắt đỏ.
Hơn thế nữa, các chương trình của máy móc để đạt được kết quả tốt nhất cũng sẽ cần được cập nhật thường xuyên để đáp ứng được sự thay đổi liên tục của môi trường hiện nay. Và đó chính là lý do khiến cho việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tốn một khoản chi phí rất lớn.
Mất việc làm do tự động hóa AI
Rất nhiều nghiên cứu về tác hại của trí tuệ nhân tạo AI đã cho thấy rằng việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo làm tăng nguy cơ thất nghiệp rất cao. Thật không khó để nhận ra các vị trí lao động phổ thông ngày nay đã dần bị thay thế bởi những máy móc hiện đại.
Không chỉ thế, AI ngày càng phát triển hơn bằng việc có thể đưa ra khả năng phân tích, quyết định khéo léo hơn nên khả năng thay thế con người ngày càng cao.
Chúng ta sẽ không thể phủ nhận được mặt lợi ích cũng như tác hại mà trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến cuộc sống của con người hiện nay, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp diễn ra sẽ khiến các tệ nạn xã hội gia tăng, đói nghèo và phân cấp cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Bất bình đẳng kinh tế xã hội gia tăng do AI
Nếu như các công ty quá lạm dụng vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo thì chắc chắn việc bất bình đẳng kinh tế xã hội sẽ gia tăng. Từ hậu quả mất việc làm dẫn đến bộc lộ rõ sự phân biệt giai cấp, những công việc thủ công lặp đi lặp lại dần bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó những công việc mang tính kỹ thuật, chuyên môn hơn sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Từ đó những người công nhân thu nhập thấp bị mất việc sẽ ngày càng rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Trí tuệ nhân tạo đã khiến cho ranh giới về giai cấp ngày càng rõ rệt hơn bằng cách AI chỉ mang lại lợi ích cụ thể cho một số cá nhân, đối tượng nhất định và gây thiệt hại nặng nề cho những cá nhân khác mà AI có thể thay thế.
Thao túng xã hội thông qua thuật toán AI
Từ khi trí tuệ nhân tạo xuất hiện và ngày càng được ứng dụng rộng rãi thì nỗi sợ hãi về việc thao túng xã hội thông qua thuật toán AI đã trở thành hiện thực. Các phương tiện truyền thông và tin tức trực tuyến dường như bị lu mờ trước những hình ảnh và video do AI tạo ra. Các công cụ như thay đổi giọng nói, video giả mạo được dựng lên và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực.
AI giúp con người dễ dàng tạo ra các bức ảnh, video, âm thanh chân thực và vô cùng đặc sắc nhưng đi theo nó là những mối nguy hại bởi những kẻ xấu từ đó sẽ có cơ hội dựng lên những hình ảnh sai lệch, tuyên truyền những thông tin gây ra phẫn nộ,..con người gần như không thể phân biệt được đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin được dựng lên để công kích lẫn nhau.
Khi không thể biết được đâu là thật, đâu là giả sẽ dẫn đến những tình huống khiến con người nghi ngờ chính xã hội và đây là một ảnh hưởng rất lớn.
Giám sát xã hội bằng công nghệ AI
Ngoài những tác hại của trí tuệ nhân tạo kể trên, thuật toán AI còn giám sát xã hội bằng cách gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền riêng tư và bảo mật của con người. Có thể lấy một ví dụ cụ thể về ảnh hưởng thao túng này đến từ việc Trung Quốc sử dụng công nghệ nhận dang khuôn mặt cho các trường học, văn phòng. Ngoài ra việc theo dõi các hoạt động di chuyển của một người thì chính phủ nước này cũng có thể dễ dàng thu thập đầy đủ những thông tin, dữ liệu về mối quan hệ, sở thích cũng như các quan điểm chính trị, quan điểm cá nhân của một người.
Từ ví dụ đó ta có thể thấy AI xâm chiếm và giám sát xã hội khiến cho tất cả những thông tin cá nhân cần được bảo mật lại có thể dễ dàng lấy cắp một cách công khai.
Đạo đức và thiện chí suy yếu vì AI
Không chỉ các nhà công nghệ đưa ra hồi chuông cảnh báo về cạm bẫy của AI mà những nhà báo, các nhân vật chính trị cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Cụ thể trong một cuộc họp năm 2019 ở Vatican về chủ đề “Lợi ích chung trong thời đại kỹ thuật số ngày nay”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời cảnh tỉnh về việc AI truyền bá những định kiến thiên vị và những số liệu sai lệch. Nếu tiến bộ công nghệ lại trở thành kẻ thù của lợi ích chung thì sẽ gây ra sự suy thoái đáng tiếc.
Một ví dụ cho thấy sự phát triển nhanh chóng của các công cụ AI nhất đó chính là Chat GPT và Bard. Nhiều người dùng đã áp dụng công nghệ này để thoát khỏi nhiệm vụ viết bài hàng ngày, việc này đe dọa đến tính trung thực cũng như sự sáng tạo trong làm việc, học tập của mỗi cá nhân.
Vũ khí tự trị được cung cấp bởi trí tuệ nhân tạo
Chắc hẳn rằng khi những tiến bộ công nghệ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn thì việc khai thác chúng cho mục đích chiến tranh là không thể tránh khỏi. Nếu bất kỳ một quốc gia nào tiến hành thúc đẩy phát triển vũ khí AI thì chắc chắn điều này sẽ khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang AI trên toàn cầu.
Mối nguy hiểm sẽ càng trở nên lớn hơn khi hàng loạt vũ khí tự động rơi vào tay những kẻ xấu, họ lợi dụng nó để tấn công người khác và xúi giục những hành vi phạm pháp thì lúc này trí tuệ nhân tạo sẽ không còn là lợi ích nữa mà ngược lại mang đến những hậu quả tồi tệ nhất.
Khủng hoảng tài chính do thuật toán AI mang lại
Cùng với những tác hại của trí tuệ nhân tạo kể trên thì thuật toán AI còn gây ra khủng hoảng tài chính trên thị trường. Chúng ta vẫn biết rằng AI không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, phán đoán của con người nhưng chúng sẽ khiến các mối liên kết giữa thị trường bị phá vỡ, đồng thời khiến niềm tin của con người bị mất đi.
Cụ thể về một trường hợp bị khủng hoảng tài chính do thuật toán AI mang lại chính là Flash Crash năm 2010, do khối lượng lệnh do máy tính tính tạo ra vượt quá khả năng sàn giao dịch có thể duy trì được lưu lượng lệnh phù hợp dẫn đến thuật toán giao dịch không thể xử lý, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn.
Mặc dù thuật toán AI có thể giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định thông minh, sáng suốt hơn nhưng chính các tổ chức tài chính cũng cần đảm bảo rằng họ đã thật sự hiểu thuật toán của mình cũng như cách mà thuật toán đưa ra quyết định. Việc này sẽ tránh gây ra hậu quả cho chính doanh nghiệp của mình và khiến tài chính bị hỗn loạn.
Nhân tính hóa công cụ, máy móc
Chúng ta vẫn thường nói chuyện với nhau hàng ngày về việc sử dụng trợ lý ảo bằng cách đặt những câu hỏi và nhận câu trả lời. Điều này gây ra vấn đề đáng lo ngại rằng liệu việc nhân tính hóa các công cụ, máy móc có đang bị lạm dụng và trở thành mối nguy hại.
Dĩ nhiên máy móc vẫn sẽ luôn là máy móc nhưng việc nhân tính hóa máy móc sẽ phá hủy khoảng cách giữa con người và máy móc, từ đó tạo ra sự phụ thuộc về mặt cảm xúc dẫn đến ảnh hưởng tâm lý cho nhiều người nếu lạm dụng chúng.
Thiếu tính linh hoạt
Trí tuệ nhân tạo hay robot cũng đều là sản phẩm của con người, nhưng mặt trái của nó là việc con người lạm dụng và phụ thuộc vào nó quá nhiều gây ra tình trạng con người bị trì trệ, không thích học hỏi, sáng tạo.
Điều khiến con người vượt xa các thiết bị công nghệ AI tạo ra chính là mặt cảm xúc. Do đó, hãy phát huy những kỹ năng của bản thân, luôn học hỏi và sáng tạo mỗi ngày để không bị chi phối bởi bất cứ một công cụ máy móc nào.
Nguy cơ rò rỉ dữ liệu
Con người sử dụng các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo để xử lý các dữ liệu khác nhau. Bằng những thuật toán được lập trình sẵn, các dữ liệu sẽ được tối ưu hóa và xử lý một cách gọn gàng các dữ liệu lớn. Tuy nhiên mặt lợi ích này của AI cũng kèm theo nguy cơ tiềm ẩn như rò rỉ thông tin, bị tấn công và đánh cắp dữ liệu.
Do đó, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo con người cần nhất quán các khâu xử lý để đảm bảo tính bảo mật trong các quy trình xử lý thông tin.
Có thể bạn quan tâm: 5 ứng dụng tuyệt vời của Deep learning trong an ninh mạng
Nguy cơ về an ninh
Cuối cùng, tác hại của trí tuệ nhân tạo còn gây ảnh hưởng lớn đến an ninh. Khi trí tuệ nhân tạo bị lợi dụng cho mục đích quân sự hoặc tấn công trên các nền tảng xã hội sẽ trở thành mục tiêu công kích cho những hành vi xấu. Cùng với tốc độ phủ sóng nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay thì vấn đề an ninh của một quốc gia sẽ càng cần được chú trọng hơn nếu không muốn bị tấn công.
Kết luận
Mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể gây ra những tác hại rất lớn đối với con người, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được những lợi ích kèm theo của nó. Để giảm thiểu tối đa những tác hại kể trên, mỗi cá nhân hãy tự đề cao tinh thần cảnh giác khi sử dụng trí tuệ nhân tạo và không quá lạm dụng vào công nghệ này.
>> Có thể bạn quan tâm: Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi như thế nào trong quá trình phát triển ứng dụng di động