Lớp học ảo, ngôi trường số lên ngôi trong mùa đại dịch

1150
15-10-2021
Lớp học ảo, ngôi trường số lên ngôi trong mùa đại dịch

Ngành giáo dục toàn cầu đang trải qua những thay đổi và đột phá mạnh mẽ, đặc biệt trước sự tấn công chưa có hồi kết của Covid-19. Với sự bùng nổ của thời đại công nghệ thông tin, ngành giáo dục đã có sự chuyển mình rõ rệt, điển hình là hình thức học trực tuyến. Lúc này, các lớp học ảo, ngôi trường số ngày càng lên ngôi trong mùa dịch.

Công nghệ ảo hóa trong điện toán đám mây là gì?

Điện toán đám mây (Cloud Computing) là mô hình công nghệ cho phép chia sẻ các nguồn lực về lưu trữ, ứng dụng,... thông qua môi trường internet. Trong khi đó, ảo hóa là một công nghệ giúp khai thác khả năng làm việc của các thiết bị vật lý như máy chủ, máy trạm,... một cách tối đa. Ảo hoá cho phép phân chia một máy chủ vật lý thành nhiều máy chủ ảo độc lập. Mỗi máy ảo đều có đầy đủ các tài nguyên như RAM, CPU, GPU, ổ cứng,... có thể được thiết lập chạy trên một hệ điều hành riêng. Công nghệ ảo hóa giúp tạo ra các máy ảo để người dùng truy cập, sử dụng tài nguyên của máy thật từ xa thông qua các “đám mây”.

Ảo hóa là một công nghệ không thể thiếu với các dịch vụ dựa trên điện toán đám mây. Công nghệ ảo hóa điện toán trong đám mây là một điểm sáng, mở ra một kỷ nguyên giáo dục hoàn toàn mới. Nhờ công nghệ ảo hoá trong điện toán đám mây, việc dạy và học không còn bó hẹp trong sách giáo khoa và trong các lớp học mà giờ đây là sự tham gia của máy tính và thiết bị di động. Với sự tác động của đại dịch, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội thì việc khai thác các hình thức học trực tuyến khác nhau là xu hướng tất yếu. Trong đó học liệu điện tử, dạy học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo, dạy học từ xa là giải pháp đang ngày càng lên ngôi.

Lớp học ảo, ngôi trường số lên ngôi trong mùa đại dịch - Ảnh 1.

Sự phát triển của lớp học ảo, ngôi trường số thời 4.0

Lớp học ảo

Một lớp học ảo (Virtual Classroom) là không gian trực tuyến mô phỏng lớp học truyền thống được thiết kế để dạy và học trong cùng một thời điểm. Các bài học thường được đồng bộ với người dạy và học viên cùng xuất hiện trong không gian trực tuyến để tương tác trong thời gian thực.

Lớp học ảo thường sở hữu những tính năng sau:

- Hội nghị truyền hình tạo điều kiện giao tiếp giữa người dạy và học viên.

- Bảng trắng kỹ thuật số hỗ trợ giải thích và cộng tác trong thời gian thực.

- Nhắn tin tức thời để giao tiếp với băng thông thấp.

- Kiểm soát học viên bằng cách cho phép học viên tham gia lớp học, phát biểu hoặc kick học viên ra khỏi lớp.

- Trao đổi 1-1 hoặc tạo các nhóm trao đổi nhỏ hơn trong phạm vi lớp học.

Hầu hết các lớp học ảo được truy cập thông qua các phần mềm dựa trên nền tảng đám mây. Người dạy và học viên không cần tải bất kỳ phần mềm nào cũng có thể tham gia lớp học ảo. Với công nghệ đám mây, người dùng có thể truy cập từ nhiều thiết bị như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và cả điện thoại thông minh, thuận tiện tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi.

Lớp học ảo giúp giáo viên thiết lập các lớp học, khóa học mà không cần giấy tờ. Lớp học ảo cũng hỗ trợ họ phân phối tài liệu và bài tập, đồng thời theo dõi tiến bộ của học sinh chỉ bằng trình duyệt máy tính hoặc điện thoại thông minh. Hầu hết các chương trình học tập ảo sử dụng một nền tảng e-learning (Hệ thống quản lý học tập - LMS) để quản lý sinh viên và các khóa học và để cung cấp nội dung học tập.

Không khó để có thể điểm danh một vào lớp học ảo của Việt Nam đã xuất hiện trong thời gian qua. Việc học trực tuyến (e-learning) tại ở Việt Nam cũng đã bắt đầu rầm rộ với các lớp học ảo, ngôi trường số như: hocmai.vn, thaytro.vn, truongtructuyen.vn, vietnamlearning.vn, smartcom.vn, edu.goonline.vn …

Lớp học ảo, ngôi trường số lên ngôi trong mùa đại dịch - Ảnh 2.

Phòng thí nghiệm ảo

Các nền tảng Cloud cũng cung cấp lợi ích cho giáo dục đặc thù. Chẳng hạn như trong đào tạo công nghệ thông tin - ngành cần ngân sách lớn cho phần cứng và thiết lập hệ thống. Nền tảng Cloud chuyên dụng sẽ cung cấp giải pháp thay thế linh hoạt, tiết kiệm và dễ triển khai cho ngành này.

Với phòng thí nghiệm ảo, giảng viên có thể tạo ra bất kỳ số máy ảo nào của các hệ điều hành khác nhau trong một môi trường ảo, giao cho sinh viên, giám sát việc sử dụng và hỗ trợ sinh viên khi cần thiết. Phòng thí nghiệm ảo giúp cắt giảm chi phí phần cứng và giúp người học có trải nghiệm tương tác dễ dàng. Nó cũng giúp các công ty tiết kiệm chi phí đào tạo như đi lại và tổ chức lớp.

Ngôi trường số

“Ngôi trường số” bao gồm rất nhiều “lớp học ảo" với các bài giảng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Người học có thể tự định hướng và tự điều chỉnh như có thể chọn khóa học, chọn giảng viên phù hợp đối với trình độ, sở thích, mục tiêu của bản thân. Người học có thể chủ động thời gian học do mình tự sắp xếp. Ngày nay, không chỉ có các bạn học sinh, sinh viên mới coi internet là một kênh học tập, trao đổi, chia sẻ, tranh luận. Hầu hết các giới công chức, doanh nhân, nhà báo đã và đang học tiếng Anh, học kinh doanh, học nghề, học các kỹ năng khác từ các “ngôi trường số”. Có thể nói, internet đã trở thành “bà đỡ” khá mát tay cho chủ trương xây dựng một xã hội học tập ở Việt Nam những năm qua.

Với sự phát triển của điện toán đám mây, sẽ ngày càng ra đời thêm những lớp học ảo, ngôi trường số tiên tiến, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của những người Việt Nam đang trên hải trình hội nhập ra biển lớn. Tận dụng sức mạnh của “đám mây", việc phát triển một nền giáo dục thông minh là điều trong tầm tay. Để làm được điều này, cần có những cú hích lớn về đầu tư hạ tầng đám mây và đặc biệt là việc làm chủ các công nghệ mới then chốt.

SHARE