Kế hoạch mới với tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc

1198
18-06-2020
Kế hoạch mới với tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc

Theo Bizfly Cloud tìm hiểu, Bắc Kinh đang tăng tốc trong cuộc đua trở thành quốc gia lớn mạnh nhất thế giới trong lĩnh vực công nghệ chính. Hiện tại, quốc gia này có kế hoạch bơm hơn 1 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế, thông qua việc triển khai tất cả các công nghệ từ mạng không dây cho đến trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khi đó, ước tính của Morgan Stanley là 1,98 nghìn tỷ USD.

Trong kế hoạch tổng thể được Chủ tịch Tập Cận Bình hậu thuẫn, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 1,4 nghìn tỷ USD trong vòng 6 năm cho đến năm 2025, kêu gọi chính quyền các đô thị và "đại gia" công nghệ như Huawei lắp đặt mạng không dây 5G, camera và hệ thống cảm biến, cùng với đó là phát triển phầm mềm AI để củng cố hệ thống lái xe tự động cho các nhà máy sản xuất ô tô và thực hiện giám sát.

Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới dự kiến sẽ thúc đẩy các công ty công nghệ lớn trong nước từ Alibaba và Huawei cho đến SenseTime nhằm thay thế các công ty Mỹ. Khi "chủ nghĩa dân tộc" về công nghệ được gắn kết, động lực đầu tư sẽ giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, tiếp tục tiến tới các mục tiêu đã đề ra trong sáng kiến Made in China 2025 trước đây. Dẫu vậy, Made in China 2025 đã nhận được sự chỉ trích dữ dội từ chính quyền Tổng thống Trump, dẫn đến những động thái mạnh tay ngăn chặn sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc, như Huawei.

Kế hoạch mới với tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 1.

COO của Digital China – Maria Kwok, cho biết: "Chưa từng có điều gì như thế này diễn ra trước đây, đây là 'canh bạc' của Trung Quốc nhằm giữ vị trí cao nhất trong cuộc đua công nghệ trên toàn cầu. Bắt đầu từ năm nay, chúng tôi nhận thấy rằng dòng tiền đã 'chảy' vào."

Sự thúc đẩy trong đầu tư công nghệ là một phần của gói kích thích tài khoá đang trong quá trình chờ cơ quan lập pháp Trung Quốc đặt bút ký. Chính phủ nước này cũng dự kiến công bố khoản hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 563 tỷ USD trong năm nay, trong bối cảnh kinh tế nước này đang ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ thời kỳ lãnh đạo bởi Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn nhất Trung Quốc – Alibaba và Tencent, sẽ đóng vai trò là động lực chính cho nỗ lực sắp tới. Chính phủ đã chỉ đạo Huawei đảm nhiệm thúc đẩy phát triển lĩnh vực 5G. Các lãnh đạo của công ty công nghệ bao gồm Pony Ma và Jack Ma cũng đang tham gia chương trình này.

Công ty của Maria Kwok là một nhà cung cấp hệ thống tích hợp được chính phủ hậu thuẫn, nằm trong số nhiều doanh nghiệp đang nắm bắt cơ hội này. Tại thành phố Quảng Châu, Digital China đang đưa khoảng 500 nghìn dự án nhà ở "lên mạng", bao gồm cả một khu phức hợp rộng bằng ¾ công viên trung tâm ở New York. Để tìm nhà, người dùng chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng, quét khuôn mặt và xác minh danh tính. Các hợp đồng thuê nhà có thể được ký online qua smartphone và bên cho thuê sẽ tự động "gắn cờ" nếu người thuê trả tiền không đúng hẹn.

Từ trước đến nay, Trung Quốc đã áp dụng nhiều kế hoạch đầy tham vọng với những khoản đầu tư khổng lồ, nhưng dường như vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu. Không có gì đảm bảo rằng chương trình này sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vực dậy như những gì các quan chức đã hứa hẹn. Không như những nỗ lực trước đây để "hồi sinh" nền kinh tế với những cây cầu và đường cao tốc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới này sẽ giúp các công ty lớn trong nước phát triển công nghệ hiện đại.

Theo Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc (CIID), khoản tiền 10 nghìn tỷ CNY (1,4 nghìn tỷ USD) mà Trung Quốc dự kiến chi từ nay đến năm 2025 sẽ được sử dụng trong các lĩnh vực được coi là hàng đầu như AI và IoT, cũng như các dự án như đường dây siêu cao áp và đường sắt cao tốc.

Trong khi đó, ước tính của Morgan Stanley còn bao gồm cả khoản đầu tư hàng năm 180 tỷ USD cho dự án cơ sở hạ tầng mới trong 11 năm tới, tổng số tiền sẽ lên đến 1,98 nghìn tỷ USD. Theo đó, con số này sẽ cao gần gấp đôi mức trung bình trong 3 năm qua và cho biết những cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là của các công ty bao gồm: China Tower, Alibaba, GDS Holdings, Quanta Computer và Advantech.

Dẫu vậy, vẫn có những ý kiến lo ngại về việc liệu chiến lược dài hạn này có cung cấp quá khoản kích thích quá lớn ở thời điểm hiện tại hay không và nguồn tiền sẽ đến từ đây. Zhu Tian – giáo sư kinh tế tại China Europe International Business School, cho biết: "Thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc chỉ bằng những dự án cơ sở hạ tầng mới là điều không thể. Có thể bạn không lo ngại về việc mức nợ sẽ tăng lên và khả năng thanh toán nợ của chính phủ hiện tại, nhưng đó là điều cần thiết vào thời điểm khủng hoảng xảy ra."

Digital China lại tự tin rằng các dự án tiếp theo trong lĩnh vực nhà ở tại Quảng Châu có thể tạo ra 30 triệu CNY doanh thu cho công ty. Họ cũng kỳ vọng rằng dự án 3,3 tỷ CNY sẽ được chấp thuận tại tỉnh Cát Lâm, bao gồm việc xây dựng "city brain" – thu thập thông tin từ các cơ sở dữ liệu gồm giao thông, trường học, các vấn đề dân sự như đăng ký kết hôn. Kwok cho biết: "Khái niệm về thành phố thông minh đã nổi lên trong nhiều năm, nhưng bây giờ chúng ta mới thấy được sự đầu tư."

Tham khảo Bloomberg

Theo GenK

BizFly Cloud là hệ sinh thái điện toán đám mây được vận hành bởi VCCorp - Công ty dẫn đầu trong lĩnh vực truyền thông và internet tại Việt Nam. Với đội ngũ kỹ thuật viên trình độ cao và kinh nghiệm lâu năm làm việc trên các công nghệ khác nhau như cloud, mobile, web..., chúng tôi có đủ khả năng để hỗ trợ đưa ra những lời khuyên hữu ích và công nghệ toàn diện giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Dành cho độc giả quan tâm tới các dịch vụ đám mây do BizFly Cloud cung cấp có thể truy cập tại đây.
SHARE