Chuyên gia Google, Facebook bày cách để không bị điện thoại ‘thao túng’
Các khía cạnh, hiệu ứng khác nhau của thế giới ảo đã được đưa vào phim "The Social Dilemma" của Netflix. Nó nhắc đến thuật toán gợi ý gây nghiện, thông tin sai sự thật, phân cực chính trị và nhiều vấn đề khác của mạng xã hội.
Bộ phim tài liệu có sự tham gia của cựu chuyên gia thiết kế Google Tristan Harris, nhà khoa học máy tính Jaron Lanier, tác giả Shoshana Zuboff, cựu Giám đốc kiếm tiền Facebook Tim Kendall, nhà khoa học dữ liệu Cathy O'Neil, cựu Trưởng nhóm kỹ sư Facebook Justin Rosenstein và nhà đầu tư Facebook Roger McNamee.
5 phút cuối phim, "The Social Dilemma" tổng hợp ý kiến của các chuyên gia để giúp người dùng hạn chế thời gian sử dụng điện thoại và chứng nghiện công nghệ. Nói cách khác, đây là những bí quyết để bạn không bị các sản phẩm công nghệ thao túng. Cùng Bizfly Cloud tìm hiểu rõ hơn về những thông tin này qua bài viết dưới đây nhé.
1. Không bấm bài viết gợi ý
Thuật toán gợi ý chính là thứ gia vị bí mật của các nền tảng công nghệ. Nó giữ chân người dùng ở lại lâu hơn ngay khi họ vừa kết thúc một video hay bài viết nào đó. Chẳng hạn, thuật toán gợi ý của TikTok đã giúp ứng dụng chiếm trọn trái tim của hàng trăm triệu người trẻ.
Theo nhà khoa học máy tính Jaron Lanier, thay vì để thuật toán dẫn dắt bạn, hãy tự tìm kiếm video bạn muốn xem.
Cách để không bị Google, Facebook thao túng
2. Cài tiện ích Chrome tắt thuật toán gợi ý
Theo cựu kỹ sư YouTube Guillaume Chaslot, bạn nên cài các tiện ích mở rộng trên Chrome có tác dụng tắt video/bài viết gợi ý. Chaslot chính là đồng tác giả thuật toán gợi ý trên YouTube trước khi ông rời Google năm 2013.
3. Tắt thông báo trên ứng dụng không quan trọng
Các chuyên gia từ Google, Facebook hay Mozilla đều đồng ý rằng đây là một cách hữu hiệu để tạo ranh giới giữa bạn và mạng xã hội.
4. Xóa ứng dụng không dùng hay khiến bạn cảm thấy mất thời gian
Theo Rosenstein, anh làm như vậy với các ứng dụng tin tức và mạng xã hội.
5. Không dùng Google
Chaslot cho biết anh dùng công cụ tìm kiếm Qwant thay cho Google vì nó không lưu lịch sử tìm kiếm của người dùng.
6. Kiểm tra thông tin trước khi chia sẻ
Renee DiResta, Giám đốc nghiên cứu tổ chức Stanford Internet Observatory, khuyên mọi người kiểm tra tính xác thực của nguồn tin trước khi bấm nút chia sẻ. Điều này càng quan trọng hơn trong thời buổi tin giả nhan nhản như hiện nay.
7. Không bấm vào bài viết "giật tít câu view"
Bấm vào các bài viết "giật tít câu view" chính là bạn đang nuôi dưỡng một thệ thống "nát bét", theo Rosenstein. Nhiều hãng tin phải chạy theo thuật toán của các nền tảng công nghệ, dẫn tới phải thay đổi thể loại tin tức nhằm thu hút nhiều độc giả nhất.
Không cho trẻ dùng mạng xã hội
8. Không cho trẻ dùng mạng xã hội
Alex Roetter, cựu Phó chủ tịch kỹ thuật Twitter, cho biết con của ông không dùng mạng xã hội. Đó là quy định. Thực tế, gia đình anh không cho trẻ nhiều thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử. Còn theo Jonathan Haidt, nhà tâm lý học xã hội của Đại học New York, nếu muốn cho trẻ dùng mạng xã hội, hãy đợi tới cấp ba.
9. Đặt mọi thiết bị bên ngoài phòng ngủ mỗi tối
Theo Haidt, các thành viên trong gia đình có thể đề xuất khung giờ cố định để đặt mọi thiết bị bên ngoài phòng ngủ, chẳng hạn trước khi đi ngủ 30 phút.
10. Xóa tài khoản mạng xã hội
Lanier thừa nhận đây là điều không thực tế với nhiều người. Song nếu có vài người xóa tài khoản và giải phóng bản thân khỏi các "công cụ thao túng", nó sẽ tạo ra cuộc tranh luận trong đời thực về chủ đề này và thu hút được sự chú ý của mọi người.
ICT News ( Theo BI)
>> Có thể bạn quan tâm: Google chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi với chính phủ Mỹ