Những điều web developer cần biết về SEO

2442
17-07-2017
Những điều web developer cần biết về SEO
Vấn đề chính của SEO là nó thường điều khiển bởi các marketers.Từ góc nhìn của web developer, SEO là việc làm thế nào một robot có thể đọc và hiểu tốt được nội dung mà bạn cung cấp. Và chúng ta sẽ thấy, việc một robot có thể đọc, hiểu dễ dàng một nội dung cũng có ích với con người. Bài viết này Bizfly Cloud sẽ bàn về các vấn đề thuộc tầm kiểm soát của developer, để từ đó nắm và hiểu rõ các tác động của chúng tới con người và bot. Kiến thức này sẽ luôn hữu ích cho bất kỳ dự án nào của bạn.

Tốc độ trang web

Tốc độ của trang web là một trong những thách thức kỹ thuật khó nhằn.

  • Các tài nguyên cần phải đủ nhỏ để truyền tải tốt nhưng đồng thời phải duy trì chất lượng cao.
  • Bạn cần để ý có bao nhiêu request thực hiện mỗi lần tải trang.
  • Bạn cần phải lưu ý đến cảm nhận về tốc độ tải trang, để tải các phần nội dung lên màn hình càng nhanh càng tốt.
  • Thứ tự xuất hiện của các nhân tố cũng rất quan trọng.
  • Mạng internet toàn cầu không đồng nghĩa là mọi người đều có kết nối băng thông rộng.
  • Internet di động đồng nghĩa với việc bạn không thể đảm bảo việc truyền tải sẽ hoàn tất ngay cả khi đã qua vài chu kỳ.

Tại sao tốc độ trang web tốt ảnh hưởng tích cực đến SEO

Tốc độ trang web là một trong những yếu tố xếp hạng của Google. Dĩ nhiên, trang web càng nhanh thì điểm số tiềm năng sẽ càng cao trong phần thuật toán này. Theo Phân tích của Moz's về tốc độ website và xếp hạng tìm kiếm, yếu tố cốt lõi chính là “Time to First Byte” (TTFB là khoảng thời gian từ lúc trình duyệt gửi yêu cầu đầu tiên đến khi nhận được byte đầu tiên từ máy chủ)

Nếu các công cụ thu thập dữ liệu của bộ máy tìm kiếm có thể tải về nội dung trang web của bạn nhanh chóng thì nó sẽ làm việc đó thường xuyên hơn là nếu nó mất vài giây cho mỗi yêu cầu (vài giây là quá lâu).

Khi con người nghiên cứu về chủ đề họ quan tâm, họ có xu hướng sử dụng tìm kiếm và đọc ở những trang phản hồi nhanh chóng. Điều này nghĩa là nội dung của bạn thu hút được nhiều người và có khả năng sẽ được dẫn liên kết bởi họ.

Tại sao chúng ta cần quan tâm đến tốc độ trang web

Thậm chí ngay cả khi không quan tâm về SEO thì bạn cũng không thể lập luận rằng trang web chạy chậm sẽ tốt, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tốc độ trang tải càng nhanh sẽ càng tốt cho mọi người. Bạn có thể tham khảo công bố của KissMetric.

Tốc độ chậm có thể do một truy vấn diễn ra quá lâu hoặc bộ nhớ bị rò rỉ ở đâu đó, như vậy web của bạn đã không sử dụng tài nguyên trên máy chủ một cách hiệu quả và bạn có thể đã phí tiền vào hạng mục bạn không thực sự cần.

Redirects

Redirects là hiện tượng máy chủ của bạn nhảy qua một địa chỉ khác khi trình duyệt yêu cầu trang tại một URL cụ thể nhưng máy chủ của bạn biết nó tồn tại ở một vị trí khác. Có một vài điều cần được xem xét:

Redirect (chuyển hướng) là đường vòng mà máy chủ phải vượt qua khi trình duyệt yêu cầu một trang tại một địa chỉ URL cụ thể, mà máy chủ xác định nó tồn tại ở một vị trí khác. Một vài điều cần lưu ý:

  • Trong suốt vòng đời của website, hàng ngàn các trang web khác sẽ dẫn liên kết đến những trang của bạn mà bạn đã quên từ lâu.
  • Bạn có thể chuyển hướng ở nhiều cấp độ khác nhau, nhưng mỗi mức đều đi kèm với các vấn đề về bảo trì.
  • Nếu làm sai có thể tác động tiêu cực đến trang web của bạn.
  • Liên kết redirects có thể bị hỏng vài tháng trước khi có người phát hiện.
  • Mỗi redirects đều đi kèm độ trễ.

Tại sao Redirects tốt cho SEO

Công cụ tìm kiếm luôn muốn có một địa điểm chính thống đối cho mọi thứ, vì vậy, nếu bạn có hai đường dẫn đến cùng một nội dung thì điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn.

Nếu bạn thông báo mỗi khi có ai gõ https://www.mysite.com/my-page bạn sẽ tự động chuyển nó sang https://mysite.com/my-page thì các công cụ tìm kiếm sẽ không phải lo lắng về vấn đề nhiều địa chỉ.

Việc này càng trở nên khó khăn khi toàn bộ nội dung bị dịch chuyển giữa các tên miền. Xử lý redirect tốt sẽ đảm bảo vị trí và xếp hạng của trang web cũ sẽ được chuyển tới địa chỉ mới.

Tại sao chúng ta nên quan tâm đến Redirects

Không ai thích các “dead link” (liên kết hỏng - liên kết dẫn đến một địa chỉ web không tồn tại), nguyên nhân thường là do sự thay đổi cấu trúc của website (tên miền, cấu trúc bên trong).

Nếu người dùng vào web và gặp lỗi 404, họ sẽ không thử thay đổi URL vào được trang nội dung, mà sẽ chuyển sang trang web khác.

Thậm chí nếu liên kết không bị hỏng, thì cũng không ai thích phải đi qua 5 - 7 URL khác nhau trước khi đến được nội dung cần tìm. Nếu việc này không được xử lý tốt sẽ tăng số lượng request mà không hiệu quả.

Status Codes

Status Codes/mã trạng thái là các mã trả về từ máy chủ của bạn sau một yêu cầu, là một developer, bạn cần chắc rằng máy chủ bạn gửi lại đúng mã trạng thái dù tại thời điểm nào.

  • Nếu máy chủ báo về mã 500 (Internal Server Error) nhưng nội dung vẫn hiển thị tốt, liệu công cụ tìm kiếm có lưu lại kết quả này không? Còn dịch vụ khác thì sao?
  • Công cụ tìm kiếm rất chú trọng đến các mã redirects 3xx.
  • Nếu bạn đã sử dụng một CMS để xây dựng trang web, đôi khi nó không rõ ràng mã nào đang được sử dụng ở đâu.

Tại sao Status Codes tốt cho SEO

Các mã trạng thái trả về là một trong những yếu tố chính mà một công cụ tìm kiếm phải biết để tiếp tục xử lý . Nếu nhận được một mã 3xx thông báo redirect, công cụ tìm kiếm biết nó cần phải đi tiếp, nếu nhận được mã 200, nó biết trang web đã được trả về đúng.

Hãy chắc chắn rằng tất cả nội dung của bạn đang được trả về với mã 200 và tất cả các redirects hợp lý đang trả về mã 301, điều đó sẽ giúp công cụ tìm kiếm chỉ mục và xếp hạng nội dung của bạn thật hiệu quả.

Tại sao chúng ta nên quan tâm Status Codes

Cần quan tâm đến các mã trạng thái bởi vì công cụ tìm kiếm không phải là thứ duy nhất quan tâm đến các nội dung trên trang web của bạn; trình duyệt, plugin, các trang web khác (nếu bạn xây dựng một API) tất cả đều có khả năng quan tâm đến trạng thái trang web của bạn.

Chúng sẽ hoạt động theo những cách mà bạn hoàn toàn không mong đợi nếu máy chủ trả về các mã trạng thái không hợp lệ hoặc không chính xác.

Semantic Markup

Semantic Markup là việc đánh dấu sử dụng các thẻ phù hợp với ngữ nghĩa, ví dụ đơn giản là thẻ <h1> được sử dụng để đánh dấu cho phần heading.

Có một số điều quan trọng cần được xem xét khi lựa chọn thẻ đánh dấu:

  • Đối với nội dung nào nên sử dụng các thẻ như <aside>,<nav>,<blockquote>,<figcaption>...
  • Khi nào nên sử dụng thêm các thuộc tính ngữ nghĩa, ví dụ các thuộc tính được đề xuất bởi schema.org.
  • Hãy thay đổi CSS để phù hợp với phong cách mặc định, luôn nhớ rằng có một sự khác biệt giữa thiết kế và chức năng.
  • Đừng chỉ sử dụng các thẻ như <section> vì bạn có thể, thay vì sử dụng thẻ <div>. Bạn phải biết rằng tất cả các thẻ đều đi kèm với một giá trị ngữ nghĩa riêng.

Tại sao Semantic Markup tốt cho SEO

Semantic Markup là tuyệt vời đối với SEO bởi vì bạn đang để nội dung chính xác, rõ ràng trên trang của bạn, công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng hiểu được.

Khi bạn dùng các thẻ gợi ý của schema.org (http://schema.org/) trong bài đánh giá, bộ máy tìm kiếm sẽ hiểu được khi bạn nói 3/5 ở cuối bài viết, nghĩa là bạn đã chấm điểm 3 trên 5 và sẽ tự động thể hiện số sao * tương đương trên trang kết quả.

Semantic Markup cho phép bạn nhóm và liên kết nội dung. Cách suy nghĩ cũ là một trang có thể có một thẻ <h1>, và bình thường nó được dành riêng cho tên của trang web. Bây giờ chúng ta có thể kết hợp thẻ <section> với <header>để tạo ý nghĩa tương tự. Điều này có nghĩa là công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng hơn nhiều trong việc phân tích các bài viết dài.

Tại sao chúng ta nên quan tâm đến Semantic Markup

Chúng ta nên quan tâm về điều này vì các công cụ tìm kiếm không phải là thứ duy nhất dùng trang web chúng ta. Các công nghệ hỗ trợ như trình hỗ trợ đọc tin có thể sử dụng các đánh dấu ngữ nghĩa trên văn bản dễ dàng hơn rất nhiều.

Ví dụ, khi nội dung được đánh dấu với thẻ aside>, công nghệ hỗ trợ biết cần loại nội dung đó ra khỏi nội dung chính khi đọc cho người khiếm thị.

Có lẽ người dùng không thể tập trung vào một bài viết dài với quá nhiều thông tin. Bằng cách sử dụng các thẻ đánh dấu để phân chia bài viết dài đó thành từng đoạn sẽ giúp người đọc dễ dàng phân đoạn những đoạn mà họ muốn đọc.

Các công cụ tìm kiếm không phải các robot duy nhất vào trang web của bạn. Các dịch vụ khác cũng có thể vào trang web của bạn và tìm kiếm những thông tin khác như là một CV chẳng hạn, nếu bạn sử dụng các đánh dấu ngữ nghĩa chính xác thì việc này sẽ càng dễ dàng.

Cấu trúc URL

Cấu trúc URL là những gì bạn nhìn thấy khi nhìn vào thanh địa chỉ, nó có thể là mysite.com/my-awesome-page/ hay cũng có thể là mysite.com/?p=233432

Để có những cấu trúc đúng yêu cầu kiến thức kỹ thuật và sự tư duy thấu đáo:

  • Có cần một cấu trúc nhiều tầng như site.com/category/theme/page.html?
  • Cấu trúc nhất quán trên trang web của tôi?
  • Cấu trúc có ý nghĩa với mợi thứ ngoại trừ code của trang web.
  • Có logic để developer mới có thể học theo và bổ sung vào đó.

Tại sao cấu trúc URL tốt cho SEO

Một cấu trúc URL tốt là hữu ích cho SEO vì nó được sử dụng như như một phần của thuật toán xếp hạng trên hầu hết các công cụ tìm kiếm. Nếu bạn muốn một trang web được xếp hạng cho từ khóa “purple beans” và URL trang web của bạn là mysite.com/purple-beans/ thì công cụ tìm kiếm hiểu rằng trang web dành cho các cuộc thảo luận về “purple beans”.

Các URL sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm, nếu nó có nghĩa thì người tìm kiếm sẽ dễ click vào hơn là một mớ những ID và từ khóa.

Một URL sẽ đảm nhiệm luôn anchor text. Khi mọi người chia sẻ liên kết họ chỉ cần quan tâm đến URL, nếu như địa chỉ này dễ hiểu nó sẽ giúp trang web được đánh giá với những từ khóa liên quan mà không cần phải tùy chỉnh mọi thứ.

Tại sao chúng ta nên quan tâm đến cấu trúc URL

Ngoài việc tối ưu cho công cụ tìm kiếm, chúng ta cũng thường xuyên làm việc với các URL, và là người duyệt web một địa chỉ đơn giản, dễ đọc và dễ hiểu sẽ càng được đánh giá cao.

Người dùng của bạn sẽ đánh giá cao URL khi họ nhìn vào URL và có thể nhớ lý do tại sao họ đánh dấu nó, mà không cần phải bấm vào nó. Đó là một thắng lợi lớn.

Trong quá trình quản trị trang web, bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết khối lượng công việc quản trị bạn cần phải làm liên quan đến cấu trúc URL. Và nếu bạn quản lý đúng, nó chắc chắn sẽ làm cho công việc dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Một số chú ý về Javascript và SEO

Cuối cùng hãy kết thúc bài viết bằng tóm tắt ngắn gọn về JavaScript và SEO.

Rất nhiều website hoạt động chủ yếu trên JavaScript hoặc ít nhất cũng dựa tương đối nhiều vào JavaScript. Có những trường phái khác nhau tranh cãi liệu đây có phải là một điều tốt hay không, nhưng dù sao thực tế là JavaScript đã ở mọi nơi.

Trước đây, các bộ máy tìm kiếm thậm chí không thể theo dõi được các liên kết dựa trên hàm onClick của JS, hiện tại thì đã có những tiến bộ vượt bậc và chúng hoàn toàn có thể xếp hạng các trang được dựng hoàn toàn với JS.

Như vậy ta biết rằng, các máy tìm kiếm không thật mạnh mẽ khi làm việc với các trang nặng về JS. Vì vậy, lời khuyên cho bạn là nếu muốn được các robot tìm thấy, bạn cần đảm bảo rằng cho mọi thứ xuất hiện rõ ràng, và hạn chế càng ít yếu tố cản trở các bộ máy tìm kiếm thực hiện công việc của chúng.

Tham khảo: https://www.polemicdigital.com/2015/01/every-web-developer-know-seo/

>>Xem thêm: Race condition là gì? Làm sao để khai thác? 

Theo Bizfly Cloud chia sẻ

TAGS: seo
SHARE