Website truy cập không ổn định. Nguyên nhân và cách khắc phục

Bizfly Cloud
1455
31-08-2021
Website truy cập không ổn định. Nguyên nhân và cách khắc phục

Tốc độ truy cập website là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thành công của bất cứ một trang web nào. Theo nghiên cứu mới nhất của giới chuyên môn thì người dùng Internet phổ thông thường không chờ quá 4 giây để truy cập vào 1 website bất kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ bỏ sang 1 trang web khác nếu tốc độ truy cập chậm hơn thời gian 4 giây này.

Website truy cập không ổn định thường sẽ xảy ra tình trạng lúc nhanh, lúc chậm, lúc được lúc không. Tình trạng này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ mà website của bạn cung cấp cho khách hàng đồng thời rất dễ bị mất khách cho các đối thủ khác. Vậy thì nguyên nhân dẫn đến việc website truy cập không ổn định là gì và làm sao để khắc phục tình trạng này. BizFly Cloud xin phép được chia ra làm 2 trường hợp và phân tích như sau:

TH1: Website khác truy cập ổn định nhưng website của bạn thì không.

1. Kiểm tra máy chủ web

Đầu tiên hãy so sánh những website cùng hosting (hoặc cùng server) có tốc độ như thế nào? Nếu như chúng hoạt động nhanh và ổn định thì chắc chắn website truy cập không ổn định không phải do hosting. Bạn cần phải kiểm tra những nguyên nhân khác. Trong trường hợp các web trên hosting đều chạy chậm và mất ổn định thì hãy kiểm tra tài nguyên hosting có bị giới hạn bởi nhà cung cấp hay không. Kiểm tra thử tốc độ load của server và băng thông của website như thế nào? Sau đó liên hệ với nhà cung cấp để tìm cách giải quyết.

Website truy cập không ổn định. Nguyên nhân và cách khắc phục - Ảnh 1.

2. Kiểm tra DNS (hệ thống phân giải tên miền)

Website truy cập không ổn định. Nguyên nhân và cách khắc phục - Ảnh 2.

Hệ thống phân giải tên miền (DNS) gọi tắt là tên miền cũng là một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến tốc độ truy cập website. Thậm chí nó có thể khiến cho website của bạn chậm như rùa hoặc không có kết nối Internet.

Khi bạn truy cập vào địa chỉ của một website cụ thể thì sơ đồ hoạt động như sau: Yêu cầu được gửi đi từ máy tính – máy chủ mạng (cáp quang) – Máy chủ DNS (tên miền) – Server hosting – trả về trình duyệt. Như vậy rõ ràng việc giải mã tên miền là một mắt xích cực kỳ quan trọng trong việc truy cập website. Tùy thuộc vào DNS server mà tốc độ giải mã tên miền sẽ khác nhau. Nếu như tốc độ giải mã tên miền chậm cũng rất dễ gây ra tình trạng website truy cập không ổn định. Hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp tên miền ở trong nước lẫn ngoài nước. Trước khi phát triển website bạn nên chọn những nhà cung cấp tên miền lớn có uy tín để đảm bảo chất lượng tốt nhất nhé.

3. Kiểm tra đường truyền tập tin từ máy tính đến server và ngược lại

Website truy cập không ổn định cũng có thể vì dữ liệu truyền tải từ máy tính tới server và ngược lại có vấn đề. Trong trường hợp này hãy kiểm tra bằng cách mở CMD trên máy tính và gõ lệnh (tracert + dấu cách + tên miền cần kiểm tra). Sau đó xem thử dữ liệu truyền tải như thế nào, có bị time out ở đâu không và tìm cách khắc phục trong từng trường hợp cụ thể.

4. Kiểm tra lại code, landing page

Trình duyệt web chỉ cho phép tải tối đa 8 file cùng một lúc (8 connection) đối với css và .js. Vì vậy hãy kiểm tra các hiệu ứng được cài đặt trên website của bạn và lược bỏ những thành phần không quan trọng có thể ảnh hưởng đến việc website truy cập không ổn định.

Trong trường hợp website tải xong ảnh và text mà vẫn thấy nó “quay quay” thì rất có thể là do iframe. Có thể bấm F12 chuyển sang tab network để kiểm tra thử và chỉnh sửa lại hoặc đổi lại iframe cho website của mình nhé.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng làm cho website load chậm và không ổn định là kích cỡ và dung lượng ảnh trên website nặng. Bạn nên tối ưu hóa kích cỡ của ảnh hoặc bỏ bớt những hình ảnh không cần thiết trước khi đưa chúng lên website. Nếu ảnh quá nhiều hoặc kích cỡ quá lớn thì có thể làm tăng tốc độ tải trang và ảnh hưởng xấu đến website của bạn. Theo nghiên cứu của giới chuyên môn thì mỗi ảnh khi đưa lên website cần phải được tối ưu dung lượng ở mức dưới 100KB nhưng vẫn phải đảm bảo được chất lượng và độ nét ảnh.

Nếu bạn đang sử dụng wordpress thì rất có thể là do bạn sử dụng quá nhiều plugin làm cho website cồng kềnh và gây ra tình trạng mất ổn định. Hãy lược bỏ hoặc thay thế những plugin nặng nhé.

5. Kiểm tra số lượng người dùng truy cập website

Bạn nên kiểm tra xem số lượng người dùng truy cập vào website của mình. Nếu có quá nhiều người truy cập cùng lúc thì chắc chắn sẽ làm quá tải server và gây ra tình trạng website truy cập không ổn định. Lúc này hãy cân nhắc những giải pháp cải thiện chẳng hạn như nâng cấp hosting lên gói có dung lượng và băng thông lớn hơn nhé.

6. Kiểm tra xem website có bị nhiễm virus, mã độc hay không

Mã độc từ việc gửi mail rất phổ biến ở Việt Nam. Nó có thể là nguyên nhân làm treo cả server chứ không phải chỉ riêng mình hosting của bạn. Và đây chắc chắn là thủ phạm làm cho website truy cập không ổn định. Hãy luôn dọn dẹp và làm sạch website bằng cách sử dụng tường lửa hoặc những công cụ quét virus cho nó một cách thường xuyên. Cân nhắc hoặc giới hạn những email khả nghi để hạn chế quá trình xâm nhập, phát tán và gây hại của chúng.

TH2: Website của bạn và các website khác đều không ổn định

1. Kiểm tra trình duyệt đang sử dụng

Các trình duyệt khác nhau (ví dụ cốc cốc, Chrome, Firefox) thì thường có tốc độ tải trang khác nhau. Kết nối không ổn định có thể xảy ra ở bất cứ trình duyệt nào. Vì vậy trong trường hợp này hãy chuyển qua trình duyệt khác xem thế nào nhé

2. Kiểm tra số lượng tab đang mở

Nếu bạn mở quá nhiều tab trên 1 trình duyệt thì rất có thể sẽ làm cạn kiệt CPU và hết Ram máy tính. Hệ quả của việc này cũng có thể làm cho website truy cập không ổn định. Để khắc phục hãy tắt bớt tab trước khi truy cập vào website của mình nhé.

3. Kiểm tra cấu hình máy tính

Nếu bạn truy cập website bằng máy tính có cấu hình yếu thì tốc độ tải trang cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Một máy tính có CPU, RAM và Card mạng tốt thì sẽ làm cho tốc độ tải trang tăng lên đáng kể. Để chắc hơn thì bạn có thể kiểm tra tốc độ duyệt web ở 2 máy tính có cấu hình khác nhau và tìm cách cải thiện cấu hình máy tính của mình nhé.

Tóm lại khi phát triển và vận hành một website, bạn nên kiểm tra thường xuyên tốc độ truy cập website của mình để kịp thời phát hiện và xử lý nếu website truy cập không ổn định. Tùy theo từng trường hợp khác nhau và tùy vào những loại website khác nhau sẽ có những hướng xử lý khác nhau. 

Bài viết này đã tổng hợp một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng website truy cập không ổn định đồng thời đưa ra những gợi ý về giải pháp khắc phục cho từng nguyên nhân. Tuy nhiên lựa chọn một server chứa cơ sở dữ liệu chất lượng và phù hợp với mong muốn cũng như số lượng thông tin mà bạn cần truyền tải đến khách hàng vẫn là phương án giải quyết nhanh, hiệu quả và đảm bảo nhất. Vì vậy hãy cân nhắc và tìm hiểu thật kỹ càng trước khi quyết định nhé.

Rất cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết của chúng tôi. Chúc bạn thành công.

SHARE