HTTPS là gì? Những lợi ích khi sử dụng giao thức HTTPS

1684
29-06-2021
HTTPS là gì? Những lợi ích khi sử dụng giao thức HTTPS

HTTPS chắc chắn là từ khóa đã quá quen thuộc với những người thường xuyên sử dụng Internet. Đã không biết bao nhiêu bài báo được đăng để kêu gọi mọi người chuyển sang sử dụng HTTPS: người dùng ngừng truy cập các trang không sử dụng HTTPS cho các giao dịch và thông tin nhạy cảm, website nên chuyển sang sử dụng HTTPS để tăng cường khả năng bảo mật,… Các trình duyệt hiện nay cũng đánh dấu an toàn hơn cho các website sử dụng HTTPS. Vậy nhưng rốt cuộc HTTPS là gì và nó có gì thần thánh, đặc biệt trong khía cạnh bảo mật, mà khiến người ta đề cao đến như vậy? Hãy cùng BizFly Cloud tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.

HTTPS là gì?

HTTPS ( Hypertext Transfer Protocol Secure ) là giao thức truyền siêu văn bản bảo mật. Một cách dễ hiểu, HTTPS = HTTP + S (Secure), nghĩa là HTTPS đơn giản là giao thức HTTP truyền thống được bổ sung các phương thức bảo mật để tăng độ an toàn cho website.

HTTPS là gì? Vì sao website nên sử dụng giao thức HTTPS - Ảnh 1.

HTTPS là sự kết hợp của HTTP và SSL giúp bảo mật tốt hơn cho website

Nhắc lại một chút, HTTP là giao thức chủ yếu để truyền dữ liệu giữa một website với trình duyệt của khách hàng, được phát triển và không ngừng mở rộng từ những năm 90. Mọi văn bản, hình ảnh, animation, thậm chí là video hiển thị trên trình duyệt của bạn đều được vận chuyển qua Internet bằng HTTP. Có thể nói HTTP là một trong những xương sống quan trọng nhất giúp vận hành Internet ngày nay.

Tuy nhiên người ta dần nhận ra việc truyền dữ liệu mà không mã hóa có thể gây ra những lỗ hổng dễ dàng khai thác bởi các hacker, đặc biệt nghiêm trọng với các thông tin cá nhân nhạy cảm và mật khẩu. Do đó, HTTPS ra đời như một phiên bản bảo mật hơn của HTTP để giải quyết các lỗ hổng đang tồn tại.

HTTPS hoạt động như thế nào?

HTTPS sử dụng một trong hai giao thức để giúp thông tin liên lạc được mã hóa. Giao thức đó là TLS (Transport Layer Security) - Bảo mật lớp truyền tải hoặc SSL (Secure Sockets Layer) - Lớp cổng bảo mật.

Cả hai giao thức này đều sử dụng hệ thống PKI (Public Key Infrastructure, hạ tầng khóa công khai. Loại hệ thống bảo mật này sử dụng hai khoác khác nhau để giúp mã hóa thông tin liên lạc giữa hai bên: 

  • Khóa riêng tư: Khóa này được kiểm soát bởi người quản trị trang web. Khóa này nằm trên máy chủ web và được sử dụng để giải mã thông tin và được mã hóa bởi khóa công khai. 
  • Khóa công khai: Khóa này dành cho những ai muốn làm việc với máy chủ web theo cách an toàn. Thông tin được mã hóa bằng khóa công khai và chỉ có thể được giải mã bằng khóa riêng tư. 

Chứng chỉ HTTPS là gì?

Chứng chỉ HTTPS, thực chất là chứng chỉ mã hóa SSL/TLS được sử dụng trong giao thức HTTPS, được cung cấp bởi bên thứ ba (tất nhiên, việc bạn tự quảng cáo những điều tốt đẹp không bao giờ đáng tin bằng nhận xét của mọi người xung quanh). Chứng chỉ này được quản trị viên website đăng ký với một bên thứ ba như DigiCert, GoDaddy, Symantec,… và lưu trữ trên máy chủ website. Khi thiết lập kết nối với client, website gửi chứng chỉ này đến client và client đem chứng chỉ gửi đến nhà cung cấp chứng chỉ để xác nhận là đúng.

HTTPS là gì? Vì sao website nên sử dụng giao thức HTTPS - Ảnh 2.

Chứng chỉ HTTPS sẽ giúp nhận diện website bảo mật và an toàn

Khi truy cập một website có chứng chỉ SSL, người dùng sẽ thấy một biểu tượng ổ khóa trên thanh địa chỉ của trình duyệt. Nếu như chứng chỉ Extended Validation Certificate được cài đặt trên website, thì góc bên trái thanh địa chỉ sẽ chuyển sang màu xanh lá cây.

Vì sao cần phải có chứng chỉ HTTPS?

Như đã đề cập, chứng chỉ SSL/TLS là sự bảo đảm cho bảo mật dữ liệu của người dùng, xác minh quyền sở hữu trang web, ngăn những kẻ tấn công tạo phiên bản giả mạo của trang web và lấy được lòng tin của người dùng.

Thậm chí gần đây các trình duyệt đã bắt đầu gắn thẻ các website không có chứng chỉ HTTPS là không an toàn. Các máy tìm kiếm cũng xếp hạng tốt hơn cho website sử dụng HTTPS. Khi mà việc xin cấp chứng chỉ SSL có thể thực hiện miễn phí, chẳng có lý do gì để mạo hiểm với lòng tin khách hàng và hiệu quả SEO của một website.

Lợi ích khi sử dụng giao thức HTTPS?

Bảo mật tốt hơn

Lợi ích lớn nhất và cũng là mục tiêu chính HTTPS hướng tới chính là khả năng bảo mật được tăng cường. HTTPS loại bỏ những nỗi lo nghe trộm dữ liệu hay tấn công MITM. Hơn nữa, các nhà cung cấp chứng chỉ SSL/TLS còn đi kèm chức năng xác nhận website là chính chủ, giúp bạn tránh xa các trang web lừa đảo, giả mạo. Nhìn chung sẽ an tâm hơn nhiều với email, mật khẩu, thông tin nhạy cảm khác của bạn khi sử dụng HTTPS

Khả năng bảo mật còn gián tiếp dẫn tới những lợi ích được liệt kê dưới đây.

Tăng niềm tin khách hàng

Chuyển sang sử dụng HTTPS giúp khách hàng an tâm hơn khi truy cập website của bạn, đồng thời cho thấy sự chuyên nghiệp. Các chứng chỉ SSL/TLS bên thứ ba cũng giống như một chứng chỉ niềm tin tăng cường cho website.

Cải thiện xếp hạng website

Những gã khổng lồ tìm kiếm như Google và Bing dĩ nhiên cũng dành sự quan tâm đến bảo mật, thậm chí họ đã sớm chuyển đổi sang HTTPS. Như Google đã xác nhận, xếp hạng các website sử dụng HTTPS sẽ được đẩy mạnh, do đó nếu quan tâm đến SEO thì bạn nên sớm chuyển sang HTTPS.

Điều gì xảy ra nếu một trang web không có HTTPS?

HTTPS sẽ bảo vệ quyền thông tin của người dùng mà không phải lo trang web sẽ phát tán thông tin cho bất kỳ ai khi sử dụng internet. Khi thông tin được gửi qua HTTP thông thường, các thông tin sẽ được chia thành các gói dữ liệu và sẽ dễ dàng bị "đánh cắp" bằng phần mềm miễn phí. 

HTTPS là gì? Vì sao website nên sử dụng giao thức HTTPS - Ảnh 3.

Thông tin người dùng có thể bị đánh cắp nếu không có HTTPS

Đặc biệt, những thông tin này lại được dễ dàng thực hiện qua các phương tiện không an toàn, như Wifi công cộng... Trên thực tế, hầu hết các giao tiếp truyền qua HTTP để được định dạng bằng văn bản thuần túy, khiến chúng có khả năng dễ dàng bị lộ thông tin nếu ai đó có công cụ phù hợp, tấn công trên đường dẫn địa chỉ website. 

HTTP và HTTPS khác nhau như thế nào?

Chứng chỉ SSL

Có thể nói HTTPS về bản chất cũng chỉ là HTTP. Nhưng đem một website HTTP thêm lớp mã hóa chưa hẳn đã được kết quả là HTTPS. Sự khác biệt là chứng chỉ SSL/TLS, thứ thực sự chứng nhận cho mức độ an toàn của website sử dụng HTTPS.

Port trên HTTP và HTTPS

Port là các cổng xác định thông tin trên máy khách, sau đó phân loại để gửi đến máy chủ. HTTP sử dụng cổng (Port) 80, trong khi HTTPS sử dụng cổng 443. Sự khác biệt là Port 443 hỗ trợ dữ liệu được mã hóa trước khi truyền.

Mức độ bảo mật của HTTP và HTTPS có khác nhau?

Như đã đề cập, lợi ích bảo mật của HTTPS so với HTTP là rõ ràng. Những nguy cơ đối với giao thức HTTP như nghe lén, giả mạo,… đều được giải quyết bằng cách chuyển sang sử dụng HTTPS. Điểm khác biệt nhất chính là chứng chỉ bảo mật SSL/TLS, khi sự bảo mật được tiêu chuẩn hóa và công nhận bởi bên thứ 3 chứ không chỉ là những gì mà bạn tự vẽ ra và quảng cáo với người sử dụng.

Có nên sử dụng HTTPS không?

Trước đây người ta vẫn quan niệm chỉ các tổ chức lớn hoặc hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm,… mới cần sử dụng HTTPS để bảo mật. Vấn đề chi phí và triển khai khó khăn có thể đã từng khiến nhiều người do dự khi muốn sử dụng HTTPS. Tuy nhiên giờ đây với sự phổ biến của HTTPS, việc cài đặt trở nên ngày càng đơn giản và chi phí cũng ngày cảng giảm, thậm chí có không ít dịch vụ cấp chứng chỉ HTTPS miễn phí.

Sau tất cả, với những lợi ích mà ta đã thấy, chẳng có lý do gì để không sử dụng HTTPS. Thậm chí bạn sẽ trở nên lạc hậu nếu không sớm cập nhật chuẩn này.

Hi vọng với bài viết này BizFly Cloud đã giúp bạn hiểu hơn về giao thức HTTPS và những lợi ích to lớn của nó trong thế giới Internet hiện nay. Nếu còn chưa nâng cấp HTTPS cho website của mình, đừng chờ đợi thêm mà hãy thực hiện chuyển đổi ngay hôm nay để nhận được những lợi ích to lớn từ công nghệ này.


BizFly Cloud là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với chi phí thấp, được vận hành bởi VCCorp.

BizFly Cloud là một trong 4 doanh nghiệp nòng cốt trong "Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam" của Bộ TT&TT; đáp ứng đầy đủ toàn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật của nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Độc giả quan tâm đến các giải pháp của BizFly Cloud có thể truy cập tại đây.

DÙNG THỬ MIỄN PHÍ và NHẬN ƯU ĐÃI 3 THÁNG tại: Manage.bizflycloud

SHARE