Modem là gì? Những điều cần biết về Modem và cách phân biệt Modem với Router
Trong bài hôm nay, Bizfly Cloud sẽ giới thiệu đến bạn đọc những điều cần biết về Modem và cách phân biệt nó với Router để bạn thuận tiện hơn trong việc nâng cấp hoặc mở rộng mạng nhé.
Modem là gì?
Modem là 1 thuật ngữ kết hợp giữa 2 từ "modulate" và "demodulate". Nó đồng thời thực hiện cả 2 nhiệm vụ là mã hóa và giải mã thông tin số, sau đó xử lý chúng. Hiểu đơn giản thì Modem làm nhiệm vụ giải mã tín hiệu mạng đến từ nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) để các thiết bị của người dùng (máy tính, điện thoại, máy tính bảng…) hiểu và xử lý dữ liệu trên mạng Internet.
Nếu thiết bị của người dùng truy cập Internet thông qua mạng 3G/4G/5G thì không cần modem mạng. Tuy nhiên, nếu các thiết bị này không sử dụng 3G/ 4G/ 5G mà truy cập Internet thông qua nhà cung cấp dịch vụ ISP (wifi chẳng hạn) thì bắt buộc phải cần Modem để kết nối Internet. Nhà cung cấp dịch vụ thường cấp Modem miễn phí đi kèm với gói đăng ký mạng Internet.
Về mặt cấu tạo vật lý thì Modem là 1 hộp nhỏ kết nối thiết bị của người dùng với Internet thông qua cáp Ethernet. Trong quá khứ, Modem thường không được tích hợp tính năng phát wifi như Router. Tuy nhiên, hầu hết các modem hiện nay đều đã được tích hợp tính năng mạng không dây.
Có bao nhiêu loại modem?
Hiện nay, trên thị trường đang có nhiều loại modem có cấu tạo và chức năng khác nhau. Chúng ta cùng đi vào chi tiết đặc điểm của từng loại modem là gì nhé.
External Modem
External Modem là loại modem hiếm khi được kết nối trực tiếp vào máy tính qua Ethernet, USB hoặc wifi. Bản thân nó hoạt động độc lập và không chứa bộ định tuyến. Người dùng có thể chia sẻ kết nối của mình với nhiều nút mạng xung quanh văn phòng hoặc nhà ở bằng cách gắn External Modem vào 1 bộ định tuyến riêng.
Router/Modem Combo
Có thể nói Router/Modem Combo là sự kết hợp 2 trong 1 nghĩa là nó vừa có chức năng của Modem, vừa đảm nhiệm vai trò của Router. Hiểu đơn giản là modem này được chứa trong bộ định tuyến nên có thể cho phép nhiều thiết bị kết nối trong 1 mạng cục bộ (LAN) và cả mạng diện rộng Internet nữa. Sự ra đời của Router/Modem Combo lược bỏ bớt quy trình lắp đặt phức tạp cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí thay vì phải lắp đặt modem và router riêng biệt như trước đây.
Integrated Modem
Đây là 1 dạng Modem được lắp trong máy tính thông qua USB hoặc card mạng lắp vào khe PCI. Loại modem này phổ biến trong thời gian trước, khi số lượng thiết bị truy cập Internet của người dùng không nhiều. Chẳng hạn như mỗi người chỉ có 1 máy tính muốn kết nối Internet thôi.
Giờ đây loại modem này đã trở nên lỗi thời và bất tiện bởi vì cho dù là ở công ty hay gia đình thì hiện nay luôn luôn có hàng loại thiết bị kết nối mạng cùng một lúc.
Modem sử dụng cáp đồng trục, DSL, cáp quang, Dial up Modem
Đây là cách phân loại modem dựa theo loại dịch vụ mà bạn sử dụng để kết nối với Internet. Thông thường thì mỗi loại dịch vụ khác nhau của nhà cung cấp sẽ sử dụng mỗi loại modem tương ứng với nó. Chúng bao gồm modem sử dụng cáp đồng trục, DSL, cáp quang, Modem Dial up.
DSL Modem
DSL Modem đã thường được sử dụng trong khoảng năm 2004 – 2007 kèm với dịch vụ Internet ADSL. Vì tốc độ chậm nên không lâu sau đó, loại dịch vụ này đã được thay thế hoàn toàn bởi cáp quang. Từ đó loại DSL Modem cũng dần biến mất.
Fiber Modem (cáp quang)
Fiber Modem (cáp quang) sử dụng cho mạng Internet cáp quang. Hiện nó đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới vì tốc độ xử lý nhanh, đáp ứng hầu hết nhu cầu của người sử dụng. Vậy những lưu ý khi sử dụng Fiber modem là gì? Đó là bạn cần phải kiểm tra tốc độ xử lý của Modem này sao cho tương thích với tốc độ mà nhà mạng cung cấp.
Lấy ví dụ như ISP cung cấp cho bạn gói dịch vụ có tốc độ tải xuống 300Mbps nhưng modem của bạn chỉ có thể xử lý 100Mbps. Lúc này, tiềm năng kết nối Internet của bạn sẽ bị hạn chế nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hầu hết băng thông của các gói dịch vụ cáp quang cho hộ gia đình chỉ dao động trong khoảng 30 - 60Mbps nên nếu Modem của bạn có tốc độ 100Mbps thì sẽ không ảnh hưởng gì nên bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này nhé.
Modem sử dụng cáp đồng trục
Hiện nay, Modem sử dụng cáp đồng trục ít ai biết và đề ý tới. Lý do là vì hiện nay nó không phổ biến và rất ít người dùng. Về lịch sử thì cáp đồng trục lại là 1 trong những phương tiện kết nối Internet đầu tiên của con người. Hiện nay, ở Việt Nam, modem cáp đồng trục chủ yếu chỉ được sử dụng bởi một số nhà mạng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp mà thôi.
Dial-up Modem
Dial-up Modem hay còn gọi là modem sử dụng quay số hiện đang có rất ít người dùng. Nó chỉ phổ biến vào thời gian đầu khi mà Internet mới xuất hiện nhưng lại không theo kịp sự ra đời và phát triển của Internet băng thông rộng và tốc độ cao. Chính vì thế, hiện nay nếu hỏi người dùng Dial-up Modem là gì thì sẽ có rất ít người biết đến. Hiểu đơn giản nó là loại modem hỗ trợ kết nối Internet bằng đường dây điện thoại và hiện không còn phổ biến nữa.
Modem hoạt động như thế nào?
Sau khi đã hiểu được Modem là gì, chúng ta cùng tìm hiểu nó hoạt động như thế nào nhé. Modem có nhiệm vụ nhận thông tin từ các ISP (nhà cung cấp dịch vụ) thông qua cáp quang, cáp đồng trục hoặc đường dây điện thoại và chuyển đổi nó thành tín hiệu kỹ thuật số.
Tín hiệu này sẽ được chuyển đến bộ định tuyến (có sẵn ở Modem hoặc Router) và sau đó sẽ được bộ định tuyến đẩy ra các thiết bị được kết nối thông qua cáp Ethernet hoặc không dây wifi để chúng có thể truy cập được vào Internet.
Những điểm khác biệt giữa Modem và Router
Thông qua các kết nối có dây với máy tính hoặc các thiết bị khác thì Modem có thể hoạt động độc lập. Trước đây thì khi lắp đặt Modem, nhà cung cấp sẽ lắp đặt Router kèm theo để làm nhiệm vụ đẩy tín hiệu sang các thiết bị truy cập Internet. Tuy nhiên, hiện nay thì các modem hiện đại có tích hợp sẵn chức năng của Router nên không cần thiết phải dùng thêm router nữa.
Bản thân Router không thể hoạt động độc lập mà không cần có Modem. Lý do là vì Router không có khả năng dịch lại tín hiệu mạng mà các nhà cung cấp mạng ISP cung cấp. Nếu thiếu đi Modem thì nó không khác gì một trung tâm kết nối mạng cục bộ như Hub hoặc Switch chẳng hạn.
Điều này không có nghĩa là Router không còn ích lợi gì nữa khi Modem đã tích hợp chức năng của Router. Giả sử bạn đang ở trong một tòa nhà nhiều tầng (khu trọ, khách sạn, chung cư…) và cần phải phân phối mạng từ một Modem do nhà cung cấp ISP cung cấp. Lúc này nếu không có router thì việc phân phối mạng tới nhiều vị trí là vô cùng khó khăn. Chỉ cần một Modem và kết nối với nhiều Router được phân phối đều tới mỗi khu vực là đã có kết nối mạng Internet cho tất cả mọi người.
Đến đây có lẽ bạn đã nắm được các thông tin cần thiết về loại thiết bị này. Có thể nói Modem phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp dịch vụ mạng ISP và khó để tự cài đặt/ reset vì cấu hình có nhiều thông số chỉ nhà cung cấp mới nắm được. Ngược lại Router thì có thể dễ dàng nâng cấp, lắp đặt và cũng không cần cấu hình quá phức tạp. Tuy nhiên tự nó không thể giải mã được tín hiệu từ ISP như Modem được.
Theo Bizfly Cloud
Bizfly Cloud - được vận hành bởi VCCorp - là một trong bốn doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ toàn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật, an toàn thông tin của nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử do Bộ TT&TT chứng nhận.